|
Có người cho rằng chị Giàu qua cơn nguy kịch nhờ bài thuốc lông nhím |
Trước đó, giận chồng, chị Trần Thị Giàu (SN 1990, ngụ ấp 1, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) uống thuốc diệt cỏ tự tử. Nạn nhân được chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bình Dương rồi chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 3 ngày nằm viện, người nhà bất lực đưa chị Giàu về chuẩn bị hậu sự.
Uống thuốc diệt cỏ tự vẫn
Anh Nguyễn Minh Tâm (25 tuổi, chồng chị Giàu) kể lại sự việc như sau: Chiều 7/5 vợ chồng nhận lương, cùng nhóm bạn ở công ty tổ chức ăn uống. Trong bàn nhậu, chị Giàu tỏ ý không vui, cãi vã với chồng rồi bỏ về trước.
Lúc này anh Tâm sang nhà bạn tổ chức “tăng 2” hát karaoke. Chừng 19h, chị Giàu gọi điện, nhắn tin giục về nhưng vì ham vui, anh Tâm làm ngơ. Một lúc sau anh Tâm đi vệ sinh thì linh tính thấy chuyện không ổn bèn bỏ tiệc hát đi về nhà.
Vừa vào cổng, người chồng thấy vợ cầm chai thuốc diệt cỏ hiệu Paraquat (loại nặng nhất trong danh mục thuốc diệt cỏ) đưa vào miệng. Anh Tâm lao đến hất văng lọ thuốc nhưng không kịp, chị Giàu đã uống hai ngụm.
Nạn nhân nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương súc ruột. Nằm điều trị đến 15h ngày hôm sau (8/5) gia đình chị Giàu xin về nhà.
Anh Tâm, chồng nạn nhân kể lại sự việc |
Đến rạng sáng ngày 9/5, chị Giàu lên cơn co giật, nôn nhiều máu và đờm. Thiếu phụ được chuyển thẳng lên bệnh viện Chợ Rẫy là đơn vị y tế hàng đầu về điều trị nhiễm độc.
Bệnh nhân nằm điều trị đến ngày hôm sau, tình trạng bệnh không mấy khả quan: Cơ thể yếu, không nói được, thường nôn ra máu. Bác sĩ cho biết bệnh tình đã biến chứng dẫn đến suy hô hấp, suy gan, suy thận nặng, cơ hội cứu chữa gần như không có.
“Bác sĩ nói nếu vợ tôi khoẻ thì sống thêm vài ngày, khuyên gia đình đưa về nhà chuẩn bị tang ma”, anh Tâm nói.
Sống sót kỳ diệu
Nghe bác sĩ nói vậy, người thân rầu rĩ thuê xe chở chị Giàu về, xác định “nằm chờ chết”. Tại nhà riêng, tất cả bà con nội ngoại, bạn bè gần xa hay tin kéo đến thăm chật kín. Điều khiến anh Tâm day dứt nhất đó là nhìn thấy vợ ngồi tỉnh táo, nhận ra mọi chuyện xung quanh nhưng không biết cứu bằng cách nào.
Nhiều bác sĩ được gia đình gọi vào truyền nước nhưng không dám. Nhìn cảnh này, nhiều người đến thăm bệnh nhân ngồi lại bàn tính tìm cách giải độc. Người thì bảo giã rau muống lấy nước cho uống, người lại mách giã nước đỗ xanh.
Bạn bè, người thân còn lên mạng xã hội Facebook đăng tin nhờ giúp đỡ. Qua kênh này, một người ở Hà Nội góp ý dùng lông nhím đốt lấy tro hòa với rượu cho uống. Lập tức bạn anh Tâm gần nhà làm ngay.
Khi mọi người lấy thìa đút nước này vào miệng, bệnh nhân đột ngột nôn dữ dội. Tâm lý “còn nước còn tát”, chị Giàu được chuyển ra trạm y tế xã rồi chuyển đến bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Bình Dương. Không ngờ từ đó tình trạng bệnh của chị Giàu diễn biến tốt.
Nhờ lông nhím, hay sức đề kháng tốt?
Người đã “mách nước” cho chị Giàu uống nước lông nhím cho hay đây là bài thuốc giải độc của người Mường. Theo đó dùng lông nhím thái nhỏ, sao vàng, tán nhỏ, nghiền mịn rồi hoà với nước hoặc rượu cho uống.
“Thông thường các bài thuốc giải độc cấm kỵ dùng rượu vì rượu sẽ dẫn độc vào máu nhanh hơn, làm tim ngưng đập. Nhưng trường hợp nhiễm độc nặng, cần chất dẫn thật nhanh chóng nên có thể dùng rượu pha chế.
Chị Giàu điều trị tại bệnh viện |
Lông nhím có vị cay, tính ấm, có công năng hành khí, giảm đau, cầm máu rất hiệu quả. Bài thuốc này chỉ dùng trong trường hợp trúng độc rất nặng, lâm sàng có xuất huyết ở một hoặc tất cả miệng, mắt, mũi, tai”, người này nói.
Tuy nhiên hiện tại chưa có công trình nào chứng minh công hiệu giải độc của lông nhím. Lương y Nguyễn Hữu Tân (uỷ viên BCH hội đông y quận Bình Tân) cho biết lông nhím là vị thuốc có công hiệu cầm máu, bổ huyết. Ông chưa nghe nói lông nhím giải được độc.
Trở lại trường hợp chị Giàu, nhiều bác sĩ nhận định có thể bệnh nhân qua cơn nguy kịch nhờ những tác dụng của y học can thiệp (súc ruột, truyền dịch, dùng thuốc…) và sức đề kháng của người bệnh.
Một số ý kiến thì khẳng định chị Giàu sống được là nhờ bài thuốc dân gian uống nước lông nhím. Còn chồng nạn nhân cũng băn khoăn: “Không biết nhờ vào vị thuốc nào mà vợ tôi qua khỏi nữa. Cô ấy đã chết đi sống lại, hy vọng cô ấy sớm hồi phục”.
Các chuyên gia chống nhiễm độc cho biết khi phát hiện người nhiễm độc, tốt nhất chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo Báo Pháp Luật