Năm nay, do chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nên mẫu văn bằng tốt nghiệp THPT dự kiến có nhiều thay đổi. |
Không có thứ hạng
|
Theo Bộ GD-ĐT, điểm mới năm nay về nội dung trên bằng tốt nghiệp THPT là sẽ không xếp loại theo các “thứ hạng” giỏi, khá, trung bình... mà chỉ có công nhận đã tốt nghiệp.
Một số ý kiến tỏ ra lo ngại, không xếp loại tốt nghiệp thì học sinh sẽ không còn động lực để phấn đấu học tập. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Việc bỏ xếp loại là hoàn toàn phù hợp bởi lẽ lâu nay có phân biệt cũng... chẳng để làm gì. Thực tế, không có chính sách nào ưu tiên cho học sinh có bằng tốt nghiệp THPT loại này loại kia, do vậy việc phân biệt tốt nghiệp loại nào chỉ tạo thêm áp lực không cần thiết cho học sinh. Hầu hết học sinh phấn đấu học tập để có thể đỗ vào các trường ĐH, CĐ mà mình mong muốn chứ không phải mục đích chính là để tốt nghiệp loại nào”.
Theo quy định của Bộ, để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh (TS) tính điểm trung bình cộng của 4 môn đăng ký để xét tốt nghiệp, trong đó có 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Sau đó TS phải cộng điểm trung bình lớp 12 và chia đôi, rồi cộng điểm với ưu tiên. Những TS đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, tất cả bài thi đều đạt trên 1 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp.
Sau khi báo cáo Bộ, giám đốc các sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả công nhận tốt nghiệp và thông báo cho các trường phổ thông để niêm yết danh sách, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho TS. Giấy chứng nhận do hiệu trưởng trường phổ thông ký và có giá trị đến khi được cấp bằng tốt nghiệp chính thức.
Một loại bằng cho các hình thức đào tạo
Các năm trước, bằng tốt nghiệp có mục “hình thức đào tạo”, trong đó nêu rõ học sinh tốt nghiệp hệ THPT, hệ bổ túc hoặc hệ vừa học vừa làm...
Tuy nhiên, dự kiến từ năm nay trên bằng tốt nghiệp sẽ bỏ hẳn mục này. Như vậy, học sinh học theo hình thức nào cũng sẽ được cấp bằng tốt nghiệp hoàn toàn giống nhau.
Ghi nhận của Thanh Niên cho thấy đây là một tin vui đối với học sinh học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Nhiều lãnh đạo các trung tâm GDTX cho rằng dù năm nay TS học hệ này phải thi đề chung với TS hệ THPT nhưng học viên ít lo mà tỏ ra phấn khởi vì không còn phân biệt về bằng cấp như trước đây.
Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT cho rằng biết được thông tin này, trước đó, các trung tâm GDTX đã rất nỗ lực trong việc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia. Các trung tâm đã tận dụng tối đa một tháng sau khi kết thúc năm học để tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh. Phần lớn TS hệ GDTX chỉ đăng ký dự thi tại cụm thi địa phương với mục đích tốt nghiệp, rất ít trường hợp đăng ký dự thi ở cụm có 2 mục đích.
Theo ông Hinh, điều này khiến cho tâm lý của giáo viên và học sinh các trung tâm GDTX thoải mái hơn. “Ý kiến chủ quan của tôi cho rằng, từ năm nay, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS sẽ đăng ký vào các trung tâm GDTX nhiều hơn” - ông Hinh nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về việc đầu vào của học sinh hệ GDTX thấp và học chương trình khác, nhẹ hơn so với hệ THPT. Ông Hinh phân tích dù hiện nay hệ THPT và GDTX dạy học 2 chương trình khác nhau nhưng cùng chung một bộ sách giáo khoa. Nội dung kiến thức trong đề thi tốt nghiệp lâu nay cũng chỉ đòi hỏi học sinh học lực trung bình là đủ điều kiện tốt nghiệp. Do vậy, học sinh hệ GDTX chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là hoàn toàn đáp ứng được điều kiện này. “Hơn nữa năm nay chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, tất cả các đối tượng TS đều thi chung một đề thì việc phân biệt hình thức đào tạo trên văn bằng là hoàn toàn không cần thiết”, ông Hinh nói.
Nhiều ý kiến cũng nhìn nhận quyết định này mang ý nghĩa nhân văn trong bối cảnh hiện nay và tương lai khi ngày càng xuất hiện nhiều hình thức học tập khác nhau: học từ xa, học tại nhà...
Ủng hộ quy định mới này, GS Đào Trọng Thi nói: “Không phân biệt hệ bổ túc hay hệ THPT trên bằng tốt nghiệp, tôi cho là đúng. Khi chúng ta chỉ có một kỳ thi THPT với một đề dành cho tất cả đối tượng học sinh thì việc phân biệt loại hình giáo dục trên bằng là không nên. Học sinh có thể đi bằng nhiều con đường khác nhưng nếu cùng trải qua một kỳ thi giống nhau thì việc công nhận họ đạt một ngưỡng trình độ nào đó là như nhau. Nếu phân biệt thì chứng tỏ có sự khác biệt về chất lượng giáo dục”.
Theo Thanh Niên