Ngành y tế xin nhận trách nhiệm
Trước vụ việc người dân chen lấn, chờ đợi thâu đêm để ngóng 1 mũi tiêm chủng dịch vụ vắc xin Pentaxim, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đáng lẽ trong tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ, với 200.000 liều Pentaxim mà chúng ta có thể gom được, lẽ ra phải là niềm vui lớn cho các gia đình lựa chọn tiêm chủng dịch vụ.
Nhiều tờ báo trong nước dẫn lời phỏng vấn Bộ trưởng Tiến khẳng định: "Sự cố này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ sở tiêm chủng chuẩn bị kỹ. Ngành y tế xin nhận trách nhiệm vì tổ chức dịch vụ không được tốt.
Nhưng, người dân đáng nhẽ cũng cần có ý thức hợp tác với ngành y tế. Sau này, khi đi tiêm chủng cho con cũng nên bình tĩnh, xếp hàng, lấy số, không chen lấn, xô đẩy".
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Y tế thì trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã thanh toán hoặc giảm triệt để được rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi… Hàng triệu trẻ em đã thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, hàng nghìn trẻ đã tránh được rủi ro đối mặt với thần chết.
Năm 2014, đã có hàng chục nghìn trẻ mắc sởi, trong đó nhiều trẻ tử vong. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều chưa tiêm chủng vắc-xin sởi. Rồi thời gian qua, dịch ho gà, bạch hầu đã diễn ra ở một số nơi… Đó là những bài học đau xót trong việc cha mẹ chậm trễ không cho con đi tiêm chủng.
Chen lấn thức trắng đêm chờ lấy số tiêm vắc xin dịch vụ |
Trong khi đó về khoa học, với mỗi loại bệnh, miễn dịch cộng đồng phải đạt tối thiểu 80% mới không xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, chỉ cần một cộng đồng nhỏ bỏ tiêm chủng thì nguy cơ bệnh dịch sẽ lan ra nhanh chóng.
Không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn
Bộ trưởng cũng biết, hiện có một bộ phận người dân e ngại vắc xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và bà hoàn toàn chia sẻ với những gia đình có con nhỏ đi tiêm và xảy ra phản ứng. Nhưng, xác suất đó ít hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh.
Bộ trưởng lấy ví dụ: "Khi trẻ bị chó cắn, nếu muốn xác định con chó đó có bị dại hay không thì phải theo dõi 14 ngày. Nhưng nếu như không tiêm sau 72 giờ thì trẻ có nguy cơ bị mắc bệnh dại và nếu mắc bệnh dại thì 100% tử vong.
Và khi tiêm cũng sẽ xảy ra nguy cơ vài chục phần triệu trẻ bị sốc, viêm não, màng não, dây thần kinh, có người tiêm còn bị liệt? Vậy, nếu bạn là bố mẹ của trẻ, bạn sẽ lựa chọn thế nào? Ai đủ dũng cảm đánh cược với số phận để chờ con chó đó không bị dại sau 14 ngày?".
Về khả năng xảy ra phản ứng của hai loại vắc xin, theo Bộ trưởng, khi tiêm hàng triệu liều cả Quinvaxem và Pentaxim cũng sẽ có phản ứng. Không có vắc xin nào tuyệt đối an toàn, kể cả vắc xin dịch vụ, vắc xin vô bào mà người dân tin tưởng rằng không có phản ứng sau tiêm.
Khi tiêm vắc xin là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để cơ thể gặp kháng nguyên lạ sẽ kích thích sản xuất kháng thể chống lại virus gây bệnh. Trong quá trình kích thích đó, sẽ có một vài người có phản ứng quá mẫn với “chất lạ” và gây ra các phản ứng quá mạnh hoặc sốc phản vệ. Các phản ứng của cơ địa rất khó phòng vệ.
Bất cứ nhà sản xuất vắc xin nào đều đưa ra khuyến cáo về phản ứng sau tiêm, nguy cơ phản ứng phụ không mong muốn… Tuy nhiên, những tỷ lệ này thường rất thấp, chỉ vài chục trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm.
Trước đó, trao đổi với PV, Bác sĩ Võ Xuân Sơn - Phòng khám Đa khoa Quốc tế EXSON cho biết: "Quinvaxem có gây phản ứng nhiều hơn Pentaxim, nhưng nó lại tạo ra hiệu ứng kháng thể tốt hơn, hệ miễn dịch cộng đồng tốt hơn, ngăn ngừa dịch tốt hơn so với Pentaxim.
Điều quan trọng nhất là WHO cũng đã tổng kết, Quinvaxem và Pentaxim có mức độ biến chứng nặng tương đương nhau.
Ngoài ra, Quinvaxem là vắc xin được dùng nhiều nhất trong tất cả các loại vắc xin 5 trong 1 trên thế giới, đã có hơn 400 triệu liều được chích ở hàng trăm nước trên thế giới".
Bàn về trách nhiệm của Bộ Y tế, theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn, Bộ Y tế đã quá lúng túng khi giải quyết khủng hoảng này, khi để mọi chuyện diễn tiến xa quá giới hạn. Đáng lẽ, Bộ Y tế phải lên tiếng giải thích đầy đủ để người dân biết thông tin rõ ràng, nhưng khi mọi chuyện bùng phát dữ dội thì mới tổ chức họp báo nói về vấn đề đó.
Điều quan trọng hơn ở đây, chuyên gia Bộ Y tế vẫn giải thích ở mức độ không đủ để cho truyền thông tiếp nhận được, không đủ tạo niềm tin trong cộng đồng.
Theo Báo Đất Việt