Bộ trưởng Y tế chia sẻ lo lắng khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Thứ bảy, 02/01/2016, 07:29
Đặt mình vào vị trí người dân đưa con đi tiêm chủng, tôi hiểu những lo lắng của nhiều bậc phụ huynh về các phản ứng của trẻ khi tiêm vaccine và rất chia sẻ với những trẻ em rơi vào xác suất không may mắn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: VGP/Thúy Hà.

Xung quanh những lo ngại về các phản ứng trong tiêm chủng khiến một bộ phận người dân đang từ chối tiêm vaccine cho trẻ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, chúng ta đều phải chấp nhận một sự thật khoa học, đó là ít nhất có từ 1-4 ca tử vong/1 triệu trường hợp được tiêm. Nhưng nếu không tiêm, số mắc bệnh có thể lên tới hàng trăm nghìn ca và số tử vong ít nhất là 100-200/1 triệu ca.

Người đứng đầu ngành y tế minh chứng, nếu không có tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất lớn.

Cụ thể, trong 3 thập kỷ vừa rồi, có những bệnh trước đây gây tử vong rất nhiều như: Bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván... nhưng đến thế hệ này, chúng ta đã không còn thấy.

Để phòng các bệnh lây truyền, Chính phủ, Bộ Y tế đã lo cho dân đủ vaccine trong Chương trình TCMR, trong đó có Quinvaxem. Theo thống kê của Bộ Y tế, tiêm dịch vụ vaccine 5 trong 1 chỉ chiếm 8%, trong khi TCMR chiếm đến 92% trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine này.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng đã chứng minh, phản ứng của vaccine Quinvaxem cũng tương đương như các vaccine khác. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều vaccine dịch vụ Pentaxim như Quinvaxem thì chắc chắn cũng có tỷ lệ tai biến. Hiện, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 liều/33.000 trẻ tiêm vaccine Pentaxim, còn vaccine Quinvaxem là 4,5 triệu liều/1,5 triệu trẻ được tiêm.

Tại một số thành phố lớn, người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng ký tiêm dịch vụ, thậm chí có người đưa con ra nước ngoài tiêm chủng. Điều này cũng giống như việc ra nước ngoài chữa bệnh, là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Trước câu hỏi của chúng tôi về việc một số người dân từ chối đi tiêm Quinvaxem vì lo ngại khi tiêm  con mình không may rơi xác suất xấu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết: Tiêm vaccine là tiêm một kháng nguyên lạ vào cơ thể, để kích thích sản xuất kháng thể. Từ đó, khi mắc bệnh, cơ thể đã có đề kháng chống virus gây bệnh. Đó là biện pháp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh.

Tuy nhiên, vì là một chất lạ đưa vào cơ thể, nên chắc chắn có phản ứng để sinh ra kháng thể.

Ở một số rất ít, do cơ thể phản ứng quá mạnh, gây sốc phản vệ. Nhưng sốc phản vệ là do cơ địa, nên rất khó biết ai bị, ai không.

Chưa kể nếu trẻ có các bệnh trùng lặp kèm theo như tim bẩm sinh, hoặc tử vong không rõ nguyên nhân. Hiện nay, dù không tiêm gì mỗi ngày tại Việt Nam cũng có 30-40 trẻ tử vong do nhiều nguyên nhân.

Nhà sản xuất và WHO đều đưa ra những khuyến cáo này và nếu tỷ lệ thấp dưới khuyến cáo là không bất thường.

Bộ trưởng cũng bộc bạch: “Đặt mình vào vị trí người dân, tôi hiểu những lo lắng của các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm và rất chia sẻ với những trẻ em rơi vào xác suất này. Nhưng nếu chúng ta không tiêm cho trẻ, hoặc trong thời điểm hiện nay, nếu thiếu vaccine dịch vụ mà không cho con tiêm Quinvaxem, thì dịch bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B… sẽ có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, quan điểm của tôi là phải tiêm và phải chấp nhận một sự thật khoa học đó, thế giới cũng chấp nhận như vậy vì biết nguy cơ tai biến là rất ít”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, vụ dịch sởi xảy ra năm 2014, một trong những nguyên cũng chính là do cha mẹ chậm trễ, hoặc không cho trẻ tiêm vaccine khiến nhiều trẻ mắc và tử vong, bởi về khoa học, với mỗi loại bệnh, miễn dịch cộng đồng phải đạt tối thiểu 80% mới không xảy ra dịch bệnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, tất cả các chính sách của ngành y tế đều hướng tới mục đích cuối cùng là phục vụ người dân: “Nếu không phục vụ người dân, ngành y hoàn toàn vô nghĩa”.

Theo Báo Chính Phủ

Các tin cũ hơn