Kinh doanh khó khăn, kiếm được đơn hàng đã khó, khi xuất khẩu thì bị hãng tàu ép giá, hải quan gây khó đủ đường…là những thông tin được nhiều đại diện doanh nghiệp, hiệp hội nêu công khai với đại diện Bộ Công Thương ngày 14/1.
Doanh nghiệp xuất khẩu gánh nhiều chi phí vì những thủ tục phải “chi ngoài” cho Hải quan |
Tại Hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu và Hiệp hội chủ hàng” do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, doanh nghiệp đứng đơn độc thì sẽ bị o ép nhưng biết tập hợp, liên kết nhau lại thì sẽ có tiếng nói riêng, không còn bị làm khó giống như từng chiếc đũa thì bẻ rất dễ nhưng thành cả bó đũa thì không thể bẻ gãy được.
Bức xúc vì thói nhũng nhiễu, đòi ăn chặn của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Tổng cục Hải quan và Chi cục Hải quan ở Hải Phòng để can thiệp hỗ trợ doanh nghiệp không phải trả những “chi phí ngoài” khi làm thủ tục xuất khẩu hàng.
Theo vị này, doanh nghiệp xuất khẩu rất nỗ lực mới tìm kiếm được các hợp đồng nhưng khi xuất khẩu buộc phải trả những khoản tiền “không có hóa đơn” khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên khá nhiều. Tính trung bình doanh nghiệp phải chi khoảng 15 triệu đồng phí ngoài cho các khâu làm thủ tục hải quan cho mỗi lô hàng xuất khẩu.
“Mỗi lô hàng khi nhập hay xuất khẩu, khi làm tờ khai hải quan ở cảng Đình Vũ ngoài thu phí cảng biển, chúng tôi phải trả thêm hơn 100 nghìn đồng/container tiền “phí kiểm tra tờ khai” với mỗi lô hàng nhỏ. Với những lô hàng lớn, khoảng 7.000-8.000 tấn, doanh nghiệp phải trả thêm 6,5 triệu đồng tiền phí ngoài. Trước đây, hàng chúng tôi xuất khẩu đi thường bị xếp vào luồng đỏ (bị kiểm tra), mỗi lần như vậy lại phải mất thêm 5 triệu đồng nữa. Chúng tôi cũng đã phải gửi công văn lên Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đề nghị can thiệp”, vị này cho biết.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Việt đa phần đều tập trung làm sao tìm kiếm thị trường, tăng quản lý giảm giá thành, chất lượng, tăng lợi nhuận và ít để ý đến vấn đề cước vận tải giao nhận.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên nhận thức còn hạn chế, chỉ khi các loại thuế, phí bị chủ tàu nước ngoài tăng lên một cách bất hợp lý thì mới ngỡ ngàng tìm đến hiệp hội để kêu lên các cơ quan nhà nước.
Cũng theo bà Dung, các doanh nghiệp đang bị o ép đủ kiểu. Mỗi chủ hàng đặt ra loại khác nhau, các loại phí chỉ có điểm chung là giá cao. Như với hàng dệt may, so với các năm trước, một container 40 feet từ Hải Phòng đi châu Âu chi phí trên 2.000 USD. Giờ tiền cước vận chuyển chỉ có 700 USD, nhưng DN phải trả hàng loạt chi phí vô lý khác như: phí cân bằng container… khiến chi phí đội lên rất nhiều.
“Hiện vai trò của Hiệp hội chủ hàng trong việc giúp đỡ hội viên vẫn còn mờ nhạt, chưa nói lên được tiếng nói của các hội viên trong việc lấy lại sự minh bạch và công bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu”, bà Dung nói.
Theo ông Ngô Thanh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, dù chỉ có 30 hãng tàu lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam nhưng các chủ tàu này đã chiếm tới 90% thị phần vận tải biển của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 10%.
Thời gian qua nhiều hãng đã “bắt tay” nhau để tăng giá cước vận chuyển thậm chí là cả phụ phí gây bức xúc cho người gửi hàng. Thực tế có những doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, để xuất khẩu 200 container đã phải trả thêm 4 tỷ đồng/tháng, chưa kể doanh nghiệp gửi hàng còn phải chịu từ 15-20 kiểu phí do chủ tàu tự ý đặt ra.
“Trong phương hướng nhiệm kỳ 2, Hiệp hội chủ hàng chắc chắn sẽ phải làm tất cả những gì mà nhiệm kỳ 1 chưa làm được để thể hiện vai trò của mình cũng như bảo vệ tốt hơn các thành viên tham gia”, ông Minh nói.
Theo Tiền Phong