Giàn khoan Hải Dương-981. |
Giàn khoan Hải Dương-981 từ ngày 20/1 đến 10/3 sẽ tiến hành tác nghiệp tại giếng Lăng Thủy 25-2-1 có tọa độ 17°06′18″N/110°02′25″E, thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết. Khu vực hoạt động cách thành phố Tam Á khoảng 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam - Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía Đông.
Trước việc Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương-981 đến vùng chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam đã yêu cầu Bắc Kinh không tiến hành hoạt động khoan và sớm rút giàn khoan ra khỏi khu vực. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 18/1 gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ quan ngại của Việt Nam về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 đến vị trí nêu trên.
"Đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam, Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi khu vực này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố.
Ông Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan.
Hải Dương-981 là giàn khoan Bắc Kinh từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014.
Vị trí giàn khoan (chấm đỏ) theo tọa độ phía Trung Quốc đưa ra. Đồ họa: Google Maps |
Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán phân định xong khu vực trong cửa Vịnh Bắc Bộ và ký Hiệp định phân định vào năm 2000. Khu vực ngoài cửa Vịnh hai bên đang đàm phán phân định. Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ, từng cho biết, "ở vùng chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ đang đàm phán thì hai bên không có quyền đơn phương tiến hành bất cứ hành động nào. Nếu một bên muốn có hành động gì thì cần có sự thoả thuận với bên kia. Khi chưa có thoả thuận thì hoạt động đơn phương là phi pháp, trái với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và với thỏa thuận của hai bên". |
Theo VNE