Nhiều bệnh viện tư phục vụ người bệnh tận răng. |
Đã biết người bệnh là “thượng đế”
Từ cổng đến khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM sáng 16/5 ken cứng người. Nhưng đội ngũ hướng dẫn viên, các bàn hướng dẫn cho thân nhân người bệnh và hệ thống khám bệnh theo lịch khám qua tổng đài…được ứng dụng tại đây ít nhiều đã thay đổi cảnh chen lấn vốn tồn tại trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng- Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, việc triển khai nhiều dịch vụ để phục vụ bệnh nhi không chỉ là giải pháp giúp bệnh viện giảm tải mà quan trọng là chúng tôi xác định phục vụ người bệnh như “thượng đế”. Ông nói đã qua rồi cái thời bác sĩ ngồi đợi bệnh nhi, nay cán bộ của bệnh viện phục vụ để làm hài lòng họ. Với nhu cầu khám bệnh ngày càng tăng và đòi hỏi khắt khe hơn từ phía người bệnh và thân nhân của họ, buộc nhiều bệnh viện phải phục vụ người bệnh một cách nghiêm túc.
Ở Bệnh viện quận Thủ Đức, ngoài đội ngũ hướng dẫn viên tận tình đón tiếp người bệnh, giúp họ ghi thông tin vào sổ, chỉ dẫn người bệnh đến các khoa phòng cần thiết, nơi đây còn có wifi miễn phí giúp thân nhân lướt web cập nhật thông tin. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân- Giám đốc bệnh viện này cho rằng, nơi đây luôn nỗ lực để phục vụ người bệnh như “thượng đế” giữa lúc mà sức cạnh tranh không chỉ diễn ra ở hệ thống bệnh viện công- tư mà ngay cả giữa các bệnh viện công với nhau.
Nhìn nhận “người bệnh là trung tâm”, thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng triển khai nhiều dịch vụ để “lấy lòng” người bệnh. Dù mỗi ngày tiếp nhận từ 5.000-7.000 người bệnh, song lãnh đạo bệnh viện này không coi đó là “tự hào”, họ muốn tất cả những người đến đây, đặt niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ nơi này đều được phục vụ tốt nhất có thể. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, từ đội ngũ hướng dẫn tận tình người bệnh vào thăm khám, nơi đây còn quan tâm đến cả những điều dù “nhỏ nhất” như dịch vụ sạc pin, photocopy giấy tờ, các trạm ATM…
Người nhà bệnh nhân chỉ cần một cuộc gọi điện, phụ huynh có thể đưa con mình đến khám ở phòng khám chất lượng cao của Bệnh viện Nhi đồng 2 mà không gặp một trở ngại nào về thủ tục hay chờ đợi. Nơi đây có luôn đội ngũ bác sĩ để phụ huynh lựa chọn. Hai năm nay, Bệnh viện 115 TP.HCM triển khai phòng khám VIP. “Ở bệnh viện tư có gì nơi đây có đó”- bác sĩ Nguyễn Đình Phú- Phó giám đốc bệnh viện này nói.
“Cuộc chiến” sống còn!
Khi gần 50 bệnh viện tư nhan nhản giữa thành phố 10 triệu dân này, phục vụ người bệnh tận răng cũng là lúc tạo ra sự thay đổi tích cực cho gần 100 bệnh viện công nơi đây. “Nếu không thay đổi sẽ rất khó để sống nổi trong thời buổi cạnh tranh này”- bác sĩ Trần Văn Khanh- Giám đốc Bệnh viện quận 2, nói. Cạnh tranh ở đây theo ông là về nhân lực, vật lực và cả những dịch vụ.
Tại bệnh viện này, người bệnh sau khi được nhân viên dìu dắt đến bác sĩ khám, sau đó họ được ngồi nghỉ ngơi để nhân viên đi lấy kết quả xét nghiệm hay siêu âm đưa cho bác sĩ, vốn là công việc trước đây của người bệnh phải làm. Nhưng nay, mọi thủ tục này đã có người “làm thay”, cách như các bệnh viện tư vẫn hay làm. “Bệnh nhân chỉ nhận toa thuốc từ bác sĩ và người nhà đi thanh toán viện phí mà thôi”- bác sĩ Khanh, nói.
Bác sĩ Mai Tiến Dũng- Giám đốc Bệnh viện quốc tế Ipak ở quận 2 cho rằng, cạnh tranh giữa công- tư hiện nay rất sòng phẳng. “Thậm chí, chúng tôi có gì, họ có đó”- bác sĩ Dũng nói và thừa nhận nhiều bệnh viện công còn thu hút người bệnh từ các nơi khác. Đón đầu bệnh nhân Campuchia như các bệnh viện tư đầu tư triệu đô là Triều An hay Quốc tế Thành Đô nhưng nay họ đành “ngậm ngùi” nhìn người bệnh sang các bệnh viện công. “Với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, trong khi các dịch vụ phục vụ người bệnh đã thay đổi khiến một lượng bệnh nhân của chúng tôi bị mất đi”- đại diện các bệnh viện tư này cùng quan điểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu- Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á thừa nhận “cuộc chiến” này sẽ giúp người bệnh hưởng lợi. Dù bệnh viện tư được đầu tư hàng ngàn tỷ, bác sĩ Châu cũng nhìn nhận bệnh viện của ông đang vấp phải cạnh tranh từ các bệnh viện công gần đó như Đa khoa khu vực Củ Chi hay Hóc Môn.
Trong khi đó, rất nhiều bệnh viện tư khác như: Đa khoa Phú Thọ, quốc tế Vũ Anh hay Thành Đô City đều lay lắt với sự “trỗi dậy” từ các bệnh viện công. Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phải rao bán trong khi Vũ Anh cầm cự qua ngày còn Thành Đô city phải chịu lỗ cả triệu đô-la mỗi tháng. Chuyên gia y tế Nguyễn Văn Dũng cho rằng việc cạnh tranh hiện nay để sinh tồn là tất yếu. Việc cạnh tranh này theo ông Dũng sẽ giúp người bệnh được coi trọng hơn và hưởng lợi nhiều hơn.
Người này lấy dẫn chứng sinh con ở bệnh viện công Từ Dũ có cả phòng VIP nằm với giá từ 1,5-2 triệu đồng/ngày với đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm nhưng ở Phụ sản quốc tế Sài Gòn gần đó cũng có giá tương tự trong khi nhiều ca mổ phải mời bác sĩ từ Bệnh viện Từ Dũ sang.
Theo Tiền Phong