Một số nguồn tin của hãng Kyodo ngày 23-5 tiết lộ các nhà lãnh đạo sẽ bác bỏ “những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng” trong một tuyên bố chung mà họ sẽ đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh G7. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ phản đối hành động “hăm doạ, ép buộc hay sử dụng vũ lực” trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời kêu gọi các biện pháp hoà bình và giải quyết tranh chấp hàng hải phù hợp luật pháp quốc tế, với cách nói ngầm nhắc đến Trung Quốc.
Ngoại trưởng các nước G7 họp thường niên tại Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng 4. Ảnh: Reuters |
Nhật Bản không phải là một bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Tại Hội nghị G7, các nhà lãnh đạo cũng sẽ bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông, động thái được cho là nhằm đáp trả hành động xâm nhập của Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các hội nghị của G7 diễn ra trong bối cảnh Nhật, Mỹ cảnh báo Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp trên Biển Đông, các nước châu Âu lại tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, làm cho họ khó công khai chỉ trích nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị G7 năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ nhắc lại quan điểm không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crime của Ukraine vào lãnh thổ và khẳng định các biện pháp trừng phạt Moscow. Họ sẽ tiếp tục kêu gọi “thực hiện đầy đủ” các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên sau hàng loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân thời gian gần đây.
Theo NLĐ