Tòa Trọng tài Thường trực nghe trình bày của Philippines trong vụ kiện chống Trung Quốc. (Ảnh: PCA) |
Phát biểu trong chuyến công du tới Singapore hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cảnh báo Trung Quốc có thể “đang xây dựng một Vạn lý trường thành tự cô lập mình” nếu không dừng các hoạt động xây đảo nhân tạo, cũng như từ bỏ những tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông.
Hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực đã khiến Washington cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á lo ngại, trong đó Philippines đã quyết định kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc.
Trong những tuần tới, PCA dự kiến sẽ đưa ra phán quyết đối với đơn kiện được Manila đệ trình năm 2013, chống lại những tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực. Julian Ku, giáo sư luật Đại học Hofstra, Mỹ đã gọi phán quyết sắp tới là “một trong những quyết định pháp lý quốc tế được chờ đợi nhất trong lịch sử hiện đại”.
Quan điểm của Philippines
Trong đơn kiện của mình, Philippines đề nghị tòa phán quyết về tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực nằm bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn”.
Đó là một khu vực có hình chữ U, vẽ bằng nét đứt trên bản đồ Trung Quốc, nằm cách xa bờ biển đất nước này về phía Nam, bao trọn vùng biển phía Đông của Việt Nam, kéo sâu xuống gần Malaysia và Brunei, trước khi vòng ngược trở lại áp sát vùng biển phía Tây các đảo chính của Philippines. “Đường 9 đoạn” này bao trọn cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và Bãi cạn Scarborough.
Mặc dù Trung Quốc chưa từng xác định rõ những đặc quyền mà nước này tin rằng họ được phép có bên trong đường 9 đoạn này, Bắc Kinh một mực quả quyết họ có “quyền lịch sử” đối với khu vực.
Philippines lo ngại rằng một tuyên bố như vậy có thể dẫn đến việc Trung Quốc áp đặt chủ quyền đầy đủ và kiểm soát toàn bộ đối với vùng đất, mặt nước, đáy biển và các bãi đá, rạn san hô nằm trong các đường 9 đoạn này.
Philippines khẳng định họ đệ đơn kiện năm 2013 nhằm bảo vệ chủ quyền và lãnh hải quốc gia, khi mô tả vụ tranh chấp như một vấn đề về “tài sản kế thừa từ cha, ông, chủ quyền, lợi ích quốc gia và quốc thể”. Manila khẳng định Trung Quốc đang phá hoại môi trường biển khi phá hủy các rạn san hô, thực hiện những hành vi đánh bắt cá mang tính tận diệt và săn bắt những loài sinh vật đang bị đe dọa.
Trung Quốc đã thực hiện những hoạt động bồi đắp quy mô rất lớn trong khu vực, để mở rộng những bãi đá ngầm thành những đường băng lớn, cùng nhiều công trình khác có thể phục vụ mục đích quân sự. Manila khẳng định các hành động của Trung Quốc “không thể thay đổi một cách hợp pháp bản chất ban đầu và đặc điểm của những kết cấu này”. Philippines khẳng định những kết cấu nhỏ đó không được quyền có bất kỳ “vùng đặc quyền” nào vượt ngoài phạm vi 12 hải lý, vốn sẽ khiến các nước khác bị hạn chế đánh bắt hoặc thực hiện các hoạt động khác.
Trung Quốc đã xây dựng các đường băng, công trình phi pháp trên Biển Đông. |
Trong một cuộc phỏng vấn để nêu rõ động cơ tiến hành vụ kiện, Ngoại trưởng Philippines khẳng định nước này đã sử dụng triệt để “tất cả các sáng kiến khác”. Nước này hối thúc Trung Quốc tham gia tiến trình phân xử, với khẳng định “Trung Quốc là một người bạn tốt. Quá trình phân xử là một tiến trình hòa bình và mang tính hòa giải, để giải quyết một tranh chấp giữa những người bạn”.
Trung Quốc và Philippines đều là các quốc gia đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Bất chấp điều đó, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định họ tin rằng mình có quyền bác bỏ quyền tài phán của PCA, và không có kế hoạch sẽ tuân thủ quyết định của cơ quan này. Trung Quốc cũng nhiều lần yêu cầu Philippines giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại trực tiếp.
Hôm 8/6, Trung Quốc tuyên bố rằng, trái với khẳng định của Philippines, hai nước “chưa từng thực hiện bất kỳ cuộc đàm phán nào” về các tranh chấp trước khi đưa ra tòa. Bắc Kinh cáo buộc Manila “cố ý hành xử với ý đồ xấu”, và rằng Philippines đã đi ngược lại các cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương. Trung Quốc còn khẳng định 40 quốc gia ủng hộ lập trường của mình.
Trung Quốc không dễ phớt lờ phán quyết
Mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ tiến trình phân xử, từ chối tham gia bất kỳ phiên tòa nào, phán quyết của PCA vẫn có thể đem đến những tác động lớn cho các mối quan hệ trong khu vực và quốc tế. Tình hình có thể trở nên căng thẳng hơn, hoặc có thể hạ nhiệt bớt.
Nếu Manila thắng kiện, các quốc gia khác có thể thấy được khích lệ để theo đuổi các vụ kiện tương tự, hoặc sử dụng phán quyết đó như cơ sở cho việc thách thức mạnh mẽ hơn hành xử của Trung Quốc quanh các hòn đảo và vùng biển có tranh chấp.
Trong khi đó một phán quyết không rõ ràng sẽ làm suy yếu niềm tin vào các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, như cơ quan trọng tài, cũng như các thỏa thuận làm cơ sở cho các cơ chế đó. Điều này có thể dẫn tới những bước đi của các bên trong khu vực, hoặc của Mỹ nhằm đẩy mạnh các hoạt động thực thi tự do đi lại, cùng các hoạt động khác như đánh bắt hoặc khoan thăm dò dầu khí tại khu vực.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi giọng điệu nếu phán quyết của cơ quan trọng tài chống lại nước này một cách mạnh mẽ.
“Kinh nghiệm cho thấy các chính sách đối ngoại và lập trường pháp lý của Trung Quốc không phải bất biến. Một nỗ lực ngày càng quyết liệt của các quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc giải quyết thông qua đường ngoại giao, bao gồm các cơ quan pháp lý quốc tế, có thể sẽ phát huy tác dụng”, giáo sư luật Đại học New York Jerome A. Cohen, một chuyên gia về luật tại Đông Á, khẳng định.
“Nếu tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng ở Biển Đông và Hoa Đông “đồng loạt công kích” Bắc Kinh bằng cách đưa các vụ tranh chấp của họ với Trung Quốc ra các cơ quan luật pháp quốc tế - thay vì chỉ dựa vào những cuộc đối thoại song phương không bình đẳng, vô ích hoặc các hành động quân sự của Mỹ - có thể hy vọng vào một sự chuyển biến”
Theo Dân Trí