Trao đổi với PV ngày 23/7, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines, chia sẻ những đánh giá tổng quan về phán quyết vụ kiện Biển Đông vừa được công bố ngày 12/7, và những lời khuyên cho Việt Nam nếu muốn sử dụng cơ chế pháp lý tương tự:
10 ngày trôi qua từ khi Toà Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Cảm xúc của ông và nhân dân Philippines như thế nào?
Bản thân tôi và người dân đất nước tôi rất phấn khởi với phán quyết. Chúng tôi cũng hy vọng sự kiện này sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Philippines khi tìm cách giải quyết với Trung Quốc. Luật sư trưởng của Philippines, Paul Reichler, đã gọi phán quyết là “một chiến thắng áp đảo”.
Toà án giải quyết 5 vấn đề chính trong phán quyết. Ông đánh giá thế nào về kết quả này so với những kỳ vọng ban đầu?
Các nội dung phán quyết trải rộng ở nhiều điểm quan trọng. Trên thực tế, nó bao gồm nhiều điều có lợi cho chúng tôi hơn cả giới quan sát và các học giả trông đợi.
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, Đại học Philippines. |
Trong những cuộc chiến pháp lý như vậy, cơ hội luôn chia đều cho 2 phía và không bên nào có thể đoán trúng hoàn toàn cho đến khi Toà thực sự ra phán quyết. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng các thẩm phán đã đưa ra phán quyết sau khi xem xét đầy đủ lập luận pháp lý, cơ sở cũng như giải thích của các bên; nên phán quyết cần được tôn trọng.
Dù đúng là không có cơ thế thực thi, phán quyết vẫn có những tác động lớn đối với Trung Quốc. Việc Trung Quốc phản ứng với phán quyết như thế nào không còn là vấn đề song phương với Philippines nữa, mà ở tầm rộng hơn là với cả thế giới.
Các bên liên quan trong tranh chấp có thể được hưởng lợi từ những nội dung nào trong phán quyết?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là toà án đã bác bỏ giá trị pháp lý về đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra, kế đến là những hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc khi cản trở hoạt động của các tàu Philippines. Tất cả những nội dung này đều có điểm tương đồng trong các tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Những hành động mà Trung Quốc đang thực hiện và xâm phạm quyền lợi của Philippines, nay đã bị tuyên bố là phi pháp, cũng tương tự với những gì mà nước này đang thực hiện với Việt Nam.
Nếu Việt Nam xem xét sử dụng Toà Trọng tài như Philippines, lời khuyên của ông cho chúng tôi là gì?
Việt Nam có thể xem xét khởi kiện Trung Quốc dựa trên cơ sở là những hoạt động của nước này liên tục xâm phạm quyền và thẩm quyền của Việt Nam trong vùng biển của nước các bạn. Dựa trên phán quyết vụ kiện Philippines, Việt Nam có thể tìm thấy động lực để theo đuổi vụ việc, và có cơ hội thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam không thể rập khuôn nguyên mẫu vụ kiện của Philippines mà cần xây dựng hồ sơ riêng, do vấn đề của Việt Nam với Trung Quốc là ở cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, Việt Nam cần phải nghiên cứu hồ sơ của mình hết sức cẩn thận trước khi quyết định kiện hay không, vì tình hình và bản chất vấn đề tranh chấp của Việt Nam rất khác với hoàn cảnh của Philippines.
Một trong những điều mà Philippines đã làm tốt chính là chiến dịch thông tin thực hiện tốt với cộng đồng quốc tế, tiếp thêm động lực cho các quan chức đang theo đuổi vụ kiện, trong bối cảnh Trung Quốc luôn yêu cầu đàm phán song phương.
Bên cạnh sự chuẩn bị, các bạn cũng phải lường trước những phản ứng của Trung Quốc. Điều đầu tiên, đó là Bắc Kinh đã học được kinh nghiệm qua vụ kiện của Philippines. Một trong những nguyên nhân thất bại của họ là kiên quyết không tham gia quá trình tố tụng. Do vậy, nếu Việt Nam có hành động tương tự khi đem sự việc ra Toà án Quốc tế, Trung Quốc có thể sẽ tham gia lần này nên việc đối phó sẽ vất vả hơn.
Học giả Việt Nam và quốc tế dự hội thảo "Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Toà Trọng tài" về vụ kiện Biển Đông. Hội thảo diễn ra sáng 23/7 tại TP.HCM, do ĐH Luật TP.HCM cùng Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức. |
Quyết định kiện nghĩa là phải lường trước được những phản ứng trả đũa của Trung Quốc. Qua vụ việc của chúng tôi, có thể thấy Trung Quốc luôn phản ứng rất mạnh mẽ và quyết liệt, bắt đầu ngay khi Philippines tuyên bố khởi kiện, đến giai đoạn toà án thụ lý và xem xét hồ sơ, cho đến khi đưa ra phán quyết.
Phản ứng của Trung Quốc với Việt Nam so với Philippines cũng sẽ rất khác, vì Trung Quốc là hàng xóm chung biên giới lục địa với Việt Nam, nhưng không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.
Việc Trung Quốc phản ứng thế nào sẽ nói lên khả năng của nước này trong việc bảo đảm những mối quan hệ đối tác và hợp tác. Các quốc gia chỉ muốn hợp tác với những nước “đáng tin cậy”. Cơ sở tin cậy này chính là dựa trên việc một nước có tuân thủ những cam kết trong các thoả thuận và luật pháp quốc tế hay không.
Người dân Philippines đang trông đợi một phản ứng cứng rắn của Manila với Bắc Kinh sau phán quyết. Ông cho rằng chính quyền Tổng thống Duterte sẽ hành động tiếp theo như thế nào?
Chính phủ sẽ nỗ lực tìm cách để đối thoại với Trung Quốc nhằm bảo đảm những nội dung có lợi cho Philippines trong phán quyết sẽ được Trung Quốc tôn trọng phần nào. Hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất với Philippines chính là không tạo ra cái cớ nào, để Trung Quốc có thể hành động hung hãn hoặc thậm chí là trả đũa sau thất bại pháp lý nào. Các bên cần phải bình tĩnh trước tiên, trước khi có thể thực sự nói chuyện với nhau.
Một trong những giải pháp mà tôi từng đề nghị là các bên có thể thoả thuận về vùng đánh cá chung. Sở dĩ tôi đề xuất như vậy là vì tranh chấp chắc chắn sẽ còn tiếp diễn chứ không thể chấm dứt ngay. Trong khi đó, ngư dân Philippines vẫn cần mưu sinh bằng việc đánh bắt trên Biển Đông. Cần thấy rằng cuộc sống, sinh kế của những cộng đồng nghèo ven biển là đang bị đặt trước nguy cơ, và họ không đáng phải chịu đựng thêm nữa chỉ vì những cuộc đàm phán kéo dài mãi với Trung Quốc.
Philippines sẽ vận động các nước ASEAN ủng hộ phán quyết này ra sao? Phán quyết này liệu có được các Ngoại trưởng ASEAN bàn tới trong cuộc họp cuối tuần này hay không?
- Tôi nghĩ phán quyết có thể là một phần trong nội dung họp bàn của các ngoại trưởng. Vì đây là một diễn biến lớn nhất và quan trọng trong luật pháp quốc tế, nên không bên nào có thể làm ngơ trước diễn biến này. Tuy nhiên, một số nguồn tin nói ASEAN có thể không ra tuyên bố chung về kết quả vụ kiện. Trong khi đó, Philippines sẽ nỗ lực vận động các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông để ủng hộ họ, bằng việc chỉ ra rằng chính các nước này cũng được hưởng lợi từ phán quyết.
Theo Zing