Những người phụ nữ xa lạ ăn chung bữa cơm. |
Những căn nhà không bao giờ đóng cửa
Sài Gòn những ngày tháng 8 trời âm u với thời tiết bất thường khiến những người mang bệnh ung thư quái ác phải ở trọ nơi đất khách quê người thêm buồn tủi. Đầu tuần, con hẻm nhỏ nằm bên hông bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đông hẳn. Người ra, người vào nhộn nhịp nhưng trùm lên nó là sự ảm đạm từ những khuôn mặt cùng khổ của những người mang trong mình căn bệnh quái ác.
Bệnh ung thư đòi hỏi thời gian chữa trị lâu dài. Có người bệnh quá nặng phải nhập viện điều trị hay những người không có điều kiện nên tuần vài lần từ quê lên để tái khám, truyền hóa chất. Bệnh viện không đủ chỗ, họ cũng không có tiền ở nhà nghỉ, đành phải thuê chiếc ghế bố để nằm qua ngày tại một góc nhỏ của căn nhà trọ chật hẹp trong hẻm này.
Chúng tôi bước vào căn nhà trọ ba tầng trong con hẻm bên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Căn nhà chật hẹp được chia ra nhiều ngăn, giường gỗ và ghế bố chằng chịt, chỉ chừa một lối đi nhỏ. Những người phụ nữ đầu trọc, gầy nhom nằm thở hổn hển. Chiếc giường rộng chưa được một mét nhưng hai, thậm chí ba người chen nhau nằm cho qua ngày. Ông Quách Khải Biếu, chủ nhà trọ cho biết, mỗi ngày có hàng chục người đến thuê chỗ ngủ. Có những ngày hết chỗ, mọi người phải xếp ghế sát vào nhau lấy chỗ nằm.
Ở đây, một chỗ nằm bằng ghế bố được cho thuê với giá 30 nghìn đồng/ngày, còn chỗ nằm bằng giường gỗ thì 40 nghìn đồng. Dù chật hẹp nhưng nhiều người vẫn chấp nhận thuê chỗ vì giá đấy có thể chi trả được. Ngồi trên chiếc ghế bố nhìn ra đường với ánh mắt xa xăm, bà Quách Thị Tám (62 tuổi, quê Long An) nhẩm tính, đến nay đã hơn 10 tháng bà điều trị ung thư vú ở đây.
Hoàn cảnh gia đình cũng không lấy gì khấm khá nên bà không dám ở lại trong bệnh viện. Mỗi lần lên tái khám hay truyền thuốc, bà đều điện thoại trước cho chủ nhà để đặt thuê chiếc ghế bố lấy chỗ ngủ qua đêm. Hơn 10 tháng qua, từ khi cắt khối u, tuần ít thì một lần, nhiều thì vài ba lần bà ôm quần áo lên bệnh viện để tái khám, truyền thuốc. Thế nên căn nhà trọ với chiếc ghế bố cũng trở nên quen thuộc với bà. Bà nói: “Gần một năm gắn với cái ghế bố này rồi, giờ nó cũng như căn nhà thứ hai của tôi”.
Mỗi lần đi truyền thuốc, bà phải đón xe đò từ quê lên bến xe Miền Tây rồi đón xe buýt vào bệnh viện. Tiền xe, tiền thuốc cũng tốn vài ba triệu đồng. Gia đình không khá giả nên mỗi lần bà đi khám, mỗi người con góp lại một ít để lấy tiền cho bà truyền thuốc. Cũng vì thế mà bà không dám tiêu xài. Đến cơm cũng không mua mà đợi có người phát cơm từ thiện, bà ra xin một hộp về ăn cho đỡ đói. “Có ngày họ cho cơm chay, ngày cho cơm mặn, có ngày ra trễ hết đồ ăn, xin hộp cơm rồi xịt ít nước tương vào lót dạ. Ở đây mười người thì chín người ăn cơm từ thiện để tiết kiệm tiền dành mua thuốc”, bà Tám nói.
Con hẻm “tứ phương” với những căn nhà cho thuê chỗ ngủ. |
Bà Nguyễn Thị Nga (quê Tiền Giang) còn vài tuần nữa là kết thúc thời gian điều trị ung thư. Mỗi lần tái khám hay lên truyền thuốc bà đều tự đón xe đò từ quê rồi vào nhà trọ thuê một chỗ ngủ. Một đợt truyền thuốc cũng mất từ hai đến ba ngày. Bà thuê chung chỗ nằm trên chiếc giường gỗ nhỏ với người bệnh khác chia giá 40 nghìn đồng/người/ngày.
Bà cũng xin cơm từ thiện. Hôm nào không xin được thì bà nhịn đói hay ăn ké người bên cạnh vài muỗng cầm hơi. “Có bao nhiêu tiền phải để dành truyền thuốc. Thuê chỗ ngủ có hơi chật nhưng mỗi lần mình ở có vài ba ngày nên cũng đành ráng nằm co chân, nghiêng người một tí là được”, bà Nga nói.
Cũng như bà Tám, bà Nga, hàng trăm người bị ung thư điều trị tại bệnh viện Ung Bướu không có điều kiện ở bệnh viện hay nhà nghỉ đều phải thuê chỗ ngủ qua ngày. Cũng nhờ những căn nhà trọ này giúp họ cầm cự qua những ngày mưa gió. Ông Biểu chủ nhà trọ cho biết, ngày nào cũng thế, người ra vào thuê phòng, thuê chỗ ngủ 24/24 nên những căn nhà cho thuê chỗ như nhà ông không bao giờ đóng cửa, tắt đèn.
Tình người dưng
“Tới giờ phát cơm rồi, anh có đi với tui không? Chị có xin cơm chay không, tui xin giúp cho”, bà Loan đi một vòng hỏi những người ở chung trong nhà trọ rồi cầm chiếc giỏ đi xin cơm từ thiện. Thời gian ở chung, ăn chung thành quen, nay người này bận thì người kia đi lấy cơm giúp, họ đợi nhau về rồi cùng ăn. Mười phút sau, bà Loan trở về với chiếc giỏ đầy cơm chay chuyền tay cho những người trong nhà.
Lấy miếng nhựa hình chữ nhật làm mâm, đặt lên giường, bà Loan bày đồ ăn vừa đi xin lên mâm. Bà Thêm mở chiếc hộp đựng đồ ăn làm sẵn bày thêm bên cạnh rồi cùng ngồi ăn chung như người một nhà. Hai người đang ăn thì bà Lê Thị Hoa (quê Lâm Đồng) và chị Thủy vừa từ bệnh viện về cũng lấy bát lại ăn cùng.
Bữa ăn của những người phụ nữ chỉ với vài món đơn giản mà ấm áp tình người. Họ vui vẻ tâm sự với nhau từ chuyện bệnh tật đến chuyện gia đình. “Ở đây mọi người xem nhau như ruột thịt. Ai từ quê lên có trái cây, quả trứng cũng đem chia nhau, bữa cơm thì góp lại mỗi người một ít ăn chung cho đỡ nhớ nhà” bà Loan nói.
Hai người phụ nữ nằm co chân trên chiếc giường nhỏ với giá 40 nghìn/người |
“Lúc mới bị bệnh, phải phẫu thuật một bên ngực tôi vô cùng hoang mang, nhiều lúc không muốn chữa trị làm gì nữa? đời mình coi như đã kết thúc rồi. Đầu rụng không còn một cọng tóc, tay không xách được vật gì quá 5kg, đến chạy xe máy cũng không được quá 10 phút thì có thể làm được gì nữa? Khi gặp những người cũng bị bệnh như mình ở căn nhà này, thậm chí họ còn nặng hơn nhưng vẫn lạc quan nên tôi vơi đi nỗi buồn”, chị Thủy nói.
Cũng từ căn nhà này, chị Thủy thấu hiểu tình người, dù đến mức cùng khổ, những người xa lạ vẫn san sẻ với nhau những mất mát. Chị Thủy kể, mới đây có người cũng từ quê mang hơn 5 triệu đồng lên truyền thuốc, lúc vào bệnh viện khám thì bị kẻ gian rạch túi áo lấy hết tiền nên khóc khóc mếu mếu, gấp quần áo để quay về. Thấy vậy, những người ở chung nhà vận động nhau người dăm chục, người trăm nghìn gom lại cũng đủ tiền để bà ấy truyền thuốc. Mấy ngày sau bà ấy quay lên để tái khám mang nguyên một giỏ trái cây để tạ ân nghĩa cả nhà.
Từng được những người trong xóm quyên góp cho mình gần 4 triệu đồng để mổ bướu cổ, chị Rohymah (dân tộc Chăm, quê An Giang) không giấu nổi vui mừng khi đã hết bệnh nhờ những người không quen biết.
Chị Rohymah kể, 10 năm trước, chồng của chị qua đời, một mình chị nuôi hai con ăn học. Đến nay cả hai người con đã có gia đình nhưng cuộc sống khó khăn. Một mình chị phải làm nuôi mẹ già bị tai biến nằm một chỗ và người chị bị bệnh nặng.
Mới đây chị phát hiện mình bị u xơ tử cung và bướu cổ phải phẫu thuật. Gom hết tiền, vay mượn mãi vẫn thiếu hơn 4 triệu đồng. Biết chuyện, những người ở cùng đã quyên góp lại, trong một buổi chiều đủ số tiền giúp chị nộp viện phí. “Tôi không biết nói gì chỉ biết cảm ơn tình cảm mọi người dành cho tôi. Tất cả là người dưng nhưng khi vào đây tôi được coi như người trong gia đình”, chị Rohymah nói.
Cuộc sống của những người mang trong mình căn bệnh ung thư luôn vội vã, đầy áp lực và có những lúc tuyệt vọng. Họ gồng mình chống chọi với bệnh tật và đau đớn. Trong những căn nhà trọ của những người xa lạ, họ tìm được sự đồng cảm và tình thân ái để dựa vào nhau cầm cự sống. Những bữa cơm đạm bạc với vài miếng cá kho mặn, vài quả dưa leo, những hộp cơm chay từ thiện vừa xin về, họ quây quần bên nhau, tựa vào nhau xua đi nỗi đau bệnh tật, nỗi nhớ nhà và nỗi ám ảnh thần chết có thể đến bất cứ lúc nào. |
Theo Tiền Phong