Sự cố thủy điện Sông Bung 2: Không thể đỗ lỗi cho thiên tai!

Thứ năm, 15/09/2016, 09:10
Một số chuyên gia cho rằng, bất cứ công trình thủy điện nào cũng đều phải tính đến trường hợp lũ cực đại về. Trận lũ từ cơn bão số 4 không phải là quá lớn, bất thường, chỉ mới bằng 1/3 lũ cực đại theo thiết kế nên việc vỡ cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công của Dự án Thủy điện Sông Bung 2 không thể đổ lỗi cho ông trời.    
Trục vớt xe, tìm kiếm người mất tích trong sự cố tại Thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam).

Lũ mới đạt gần 1/3 thiết kế

Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, lũ thiết kế tại vị trí đập Sông Bung 2 tương đương 10%, khoảng 1.950 m3/giây, lũ gây ra sự cố vừa qua mới chỉ có 560m3/giây. Vì thế, không thể đổ lỗi là do nguyên nhân lũ lớn.

Về mặt kỹ thuật, đường ống dẫn dòng là phần kết cấu chuyển nước, không phải hạng mục chịu sức ảnh hưởng của lũ hay mực nước lớn. Nếu vỡ đập hay xảy ra sự cố tràn thì mới có thể đổ cho nguyên nhân lũ lớn đột ngột. Các đường ống này đều có thông số cụ thể, lưu lượng qua đường ống có muốn tăng thêm cũng không được. Ngoài ra, trước cơn lũ, hồ Sông Bung 2 mới tích được hơn một nửa dung tích (khoảng 50 triệu m3/92 triệu m3 thiết kế) thì lũ về, đúng ra hồ vẫn còn khả năng tích nước tiếp.

Như vậy, phải kiểm tra lại hồ sơ thiết kế cửa van đã chuẩn xác chưa? Đặc biệt là chất lượng thi công như thế nào? Không loại trừ nguyên nhân công trình mới được nghiệm thu, bê tông đổ chưa đủ độ cứng mà đã cho nước chảy qua. Với 560m3/giây thì không phải là lớn với một con lũ miền Trung, nhưng trong thi công thì nó lại có những ảnh hưởng đáng kể do sự chủ quan của đơn vị thi công. Theo TS Trường, cần rà soát lại công tác thiết kế, kiểm tra chất lượng bê tông khi thi công, đồng thời xem xét lại toàn bộ trách nhiệm trong tổ chức thi công, các phương án an toàn khi xảy ra sự cố.

Lực lượng chức năng trục vớt xe ôtô.

“Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư”

Kỹ sư Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Hội Đập lớn Việt Nam cho biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia công trình thủy lợi - các quy định chủ yếu về thiết kế (QCVN 04-05:2012/BNNPTNN), khi xây dựng các công trình thủy điện phải tính đến lũ thiết kế (trận lũ theo tính toán có thể sẽ xuất hiện tại tuyến xây dựng công trình tương ứng với tần suất thiết kế) và lũ kiểm tra (trận lũ theo tính toán có thể sẽ xuất hiện tại tuyến xây dựng công trình tương ứng với tần suất kiểm tra).

Đối với Dự án Thủy điện Sông Bung 2, nếu nói sự cố vỡ cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công do lũ thì chủ đầu tư phải chứng minh được trận lũ này lớn như nào, có vượt qua lũ thiết kế không. Nếu trận lũ quá lớn, vượt qua thiết kế thì lỗi do thiên tai nhưng nếu lũ nhỏ hơn so với thiết kế thì trách nhiệm hoàn toàn của chủ đầu tư, nhà thầu thi công. “Trong sự cố này không thể nói vỡ do ông trời được, phải dựa vào các căn cứ kỹ thuật“, kỹ sư Hồng nói.

Theo TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, sự cố vỡ cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công của Dự án Thủy điện Sông Bung 2 đặc biệt nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến tính mạng con người. TS Tứ cho biết, bất cứ công trình thủy điện nào cũng phải đối mặt với lũ, trong quá trình thi công phải tính toán đến trường hợp lũ lớn nhất. Vai trò của nhà đầu tư khi thi công là phải đảm bảo an toàn, không thể nói lũ đến thì đập có thể vỡ.

Theo TS Tứ, hầm dẫn dòng thi côngcủa dự án đã hoạt động 3-4 năm nay, đã trải qua mấy mùa lũ chứ không phải bây giờ lũ mới về,  do đó không thể đổ cho thiên tai, nhất là khi trận lũ từ cơn bão số 4 không phải quá lớn, bất thường và không được dự báo. “Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, của nhà thầu thi công, là chủ quan trong thi công chứ đừng đổ lỗi cho ông trời”, TS Tứ nói.

Theo chuyên gia về hồ đập Hoàng Khắc Bá, trong thiết kế, thi công thủy điện có một thực tế là nếu chọn phương án an toàn quá thì lợi ích kinh tế không cao nhưng nếu mạo hiểm một chút thì nhiều khi phải đánh đổi.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn