Nhiều nghị sĩ Mỹ hối thúc chính quyền có biện pháp quân sự cứng rắn hơn ở Syria. |
Sau khi thỏa thuận ngừng bắn 9/9 do Mỹ - Nga bảo trợ ở Syria sụp đổ sau một tuần, các nghị sĩ ở Washington đang ngày càng giận dữ và kêu gọi Nhà Trắng xem xét một "Kế hoạch B", như một nỗ lực cuối cùng bằng biện pháp quân sự của chính quyền Obama nhằm chấm dứt xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này, theo The Hill.
"Tôi cho rằng chúng ta cần tính đến các giải pháp hành động khác ở Syria có thể thay đổi được cục diện và buộc Nga nhận ra rằng việc họ tái tham gia vào quá trình tìm giải pháp ở Syria là rất quan trọng", thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói.
Trong khi các quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn nhấn mạnh rằng chiến lược của họ là chấm dứt cuộc chiến bằng các biện pháp ngoại giao, các chuyên gia quân sự và nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể xem xét 4 biện pháp quân sự cứng rắn như những "cú đấm thép" để tháo gỡ bế tắc ở Syria.
Lập vùng cấm bay
Theo bình luận viên Kristina Wong, Mỹ và các đồng minh có thể áp đặt vùng cấm bay trên toàn không phận Syria, hoặc một phần lớn vùng trời nước này. Điều đó có nghĩa là không một máy bay nào, dù là của Nga hay quân đội chính phủ Syria, được phép hoạt động trong khu vực này và có thể bị bắn hạ nếu chưa được sự cho phép của Mỹ và đồng minh.
Để thực hiện được vùng cấm bay, Mỹ và các đối tác phải huy động một lượng lớn máy bay giám sát và tuần tra bầu trời, sẵn sàng cảnh báo hoặc tiêu diệt những kẻ vi phạm hoặc các mối đe dọa.
Chiến đấu cơ của Mỹ cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào các hệ thống vũ khí của quân đội Syria tiềm ẩn mối đe dọa, chẳng hạn như các hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất.
"Để duy trì vùng cấm bay phải cần 4-40 máy bay, tùy thuộc vào quy mô khu vực cũng như mức độ mối đe dọa", trung tướng không quân Mỹ nghỉ hưu Ralph Jodice, người từng chỉ huy lực lượng không quân NATO trong chiến dịch ở Libya năm 2011, cho biết.
Tuy nhiên, biện pháp quân sự này vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức Lầu Năm Góc, cho rằng nó sẽ ngốn quá nhiều nguồn lực, và sẽ làm chệch hướng mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự hiện nay ở Syria là tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Các quan chức này cũng cảnh báo rằng việc thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria có thể đẩy Mỹ vào cuộc chiến trực tiếp với Nga hoặc Syria, nếu máy bay chiến đấu của hai nước này tiến vào vùng cấm và một cuộc đối đầu nổ ra.