Vận chuyển rác tại TP.HCM: “Sát thủ” giấu mặt

Thứ hai, 03/10/2016, 14:19
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày tại TP.HCM có hơn 1.000 chuyến xe chuyên dụng và xe “gom rác tư nhân” thực hiện công đoạn thu gom rác, chở đến nơi xử lý. Gần như toàn bộ những xe này là xe cải tạo, tự sửa chữa thay đổi công năng, nhưng không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, nên chạy đến đâu... gieo rắc mùi hôi đến đó.

Mùi hôi “bao vây” khắp Thành phố

Cuối tuần qua, có mặt trên đường Cao Thắng nối dài (quận 10, TP.HCM), chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục chiếc xe lôi, ba gác gom rác trong các khu dân cư đổ dồn ra đường. Mùi rác thải, mùi thức ăn ôi thiu từ những chiếc xe này bốc lên nồng nặc khiến người đi đường phải bịt mũi, ngán ngẩm.

Tương tự, ở khu vực đường Cao Thắng và đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM), từ 18h trở đi là giờ tập kết của nhiều xe lôi, xe ba gác tự chế gom rác trong các khu dân cư. Khi nhiều xe thu gom rác chạy trên những cung đường lân cận khu vực này dừng gom rác hoặc chờ đèn tín hiệu là hàng chục người đi đường cố… nín thở, cầu mong đèn mau chuyển qua xanh để thoát khỏi xe rác càng nhanh càng tốt.

Trạm trung chuyển rác ở đường Đào Trí đang là nguồn phát tán mùi hôi cho khu vực quận 7.

Tình trạng càng thê thảm khi trời đổ mưa, chiếc xe rác len lỏi giữa hàng trăm phương tiện, đi đến đâu nước thải từ trên xe chảy thẳng xuống mặt đường. Đến bãi tập kết rác gần giao lộ Lê Hồng Phong- Hùng Vương (quận 5), cả đoàn với hơn chục xe choán hết một chiều đường. Rác thải đổ đống dưới đường, để trên xe không che chắn bốc mùi hôi thối cả khu vực.

Không chỉ xe rác dân lập, xe tải, nhiều xe chuyên dụng được cho là "hiện đại" của công ty dịch vụ công ích ở các quận cũng là nguồn phát tán mùi hôi khủng khiếp. Đa phần các xe này sau khi gom rác đều không tẩy rửa, nên rác, đất bám dính vào thành xe rất dơ bẩn. Nhiều xe đã xuống cấp khiến mỗi khi lưu thông trên đường, nước rỉ rác chảy thành vệt, mùi hôi thối xộc lên khiến người đi đường muốn ngộp thở.

Trên Diễn đàn “Sự thật mùi hôi tại Phú Mỹ Hưng”, nick Lan Ngọc chia sẻ, Trạm trung chuyển rác ở đường Đào Trí (gần chung cư Lacasa, quận 7), nằm ngay rìa phía Đông của quận 7 hiện đang phát tán mùi hôi khu vực quận 7. Vì vị trí nằm ngay đầu ngọn gió mùa Đông Bắc, nên khi phát tán mùi hôi gặp gió Đông Nam hoặc Đông Bắc thì nhiều vùng trong quận 7 chịu đủ, nên ngày nào cũng thấy mùi hôi. Trong ngày có lúc phát sinh theo từng đợt kéo dài từ vài phút đến 1-2 tiếng đồng hồ.

“Đây cũng chính là thời điểm xe rác các nơi tập trung về đây. Do vậy, khi xe đổ rác vào kho chứa rác sẽ phát sinh mùi, nếu gặp phải gió thì khu vực quận 7 gánh trọn. Đặc biệt, ban đêm khi xe lớn hốt rác đưa về Đa Phước, mùi nồng nặc khắp khu… tôi đã điện vào đường dây nóng thông báo nhiều lần nhưng vẫn chưa xử lý”, nick Lan Ngọc bày tỏ.

Trả lời Báo Thanh Niên mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 2 thừa nhận, đội ngũ công nhân của Công ty được trang bị phương tiện đúng quy chuẩn, thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ, nhưng thực tế chỉ được thu gom mỗi phường một ít, còn lại đa phần rác thải từ hộ dân do các đường dây thu gom rác dân lập đứng ra gom. “Bây giờ Công ty muốn tổ chức thu gom hết cho bài bản cũng rất khó vì thu gom rác dân lập hoạt động từ trước đến nay và hiện chưa thể thay đổi được thực tế này”, bà Hằng thừa nhận.

Một lãnh đạo Công ty Dịch vụ công ích quận 3 cũng cho rằng, rác sinh hoạt trên địa bàn quận 3 phát sinh khoảng 200 tấn/ngày, nhưng Công ty chỉ thu gom được khoảng 10%, còn lại do các đường dây rác dân lập thu gom. Hệ thống thu gom rác dân lập do phường quản lý, nhưng phường không có đủ lực lượng để quán xuyến nên việc này bị bỏ ngỏ.

“Rác dân lập tự tổ chức thu gom trong từng hộ dân rồi chở đến điểm hẹn để xe rác chuyên dụng của Thành phố câu lên chở đến bãi rác xử lý. Tuy nhiên, hầu hết xe rác dân lập là tự chế nên không ép rác trực tiếp lên xe chuyên dụng được mà phải đổ ra đường hoặc chuyển kiểu thủ công, dẫn đến không chỉ bốc mùi hôi mà còn gây kẹt xe”, vị lãnh đạo này ngao ngán.

Xe gom rác không đủ chuẩn: Bao giờ xử lý?

Khi được phỏng vấn, đa phần cư dân của TP.HCM đều cho rằng, bên cạnh một loạt lý do tạo ra mùi hôi trong các khu dân cư thì mùi hôi từ thu gom rác không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ, thiếu xử lý với các chất thải rơi rớt trong các khu dân cư vẫn là một trong những vấn đề gây bức xúc cho nhiều người dân.

Ông Bùi Hoàng Lâm, ngụ ở phường 5, quận 5, TP.HCM nói thẳng: “Tôi cho rằng, chính quyền Thành phố còn nhẹ tay với thu gom rác. Lẽ ra phải buộc các đơn vị thu gom rác xử lý sơ khởi mùi hôi, nước bẩn từ xe rác trước khi di chuyển từ Thành phố ra bãi rác. Có lẽ khi xử lý phải tốn thêm kinh phí, nên đơn vị thu gom rác không chịu làm chăng? Bên cạnh đó, cần phải buộc đơn vị thu gom rác trang bị xe thu gom rác đúng quy chuẩn, bảo đảm không có mùi hôi quá kinh khủng khi lưu thông trên đường phố”.

Chia sẻ quan điểm này, bà Triệu Thị Thoa, ngụ tại đường số 6, Khu An Phú, quận 6, TP.HCM cho biết, mỗi khi xe gom rác vô hẻm nhà bà lấy rác, mọi người phải ra đóng cửa vì không chịu nổi mùi hôi khó chịu từ xe rác bốc lên. “Tôi thực sự thấy lo cho người gom rác. Họ mặc quần áo thô sơ, không mang khẩu trang, sau khi gom rác họ leo lên xe rác để bới móc, tìm kiếm ve chai... Tôi nghĩ, khó mà xe gom rác trở nên sạch sẽ, ít hôi hám hơn, bởi người gom rác còn không tôn trọng, giữ gìn sức khỏe của chính họ, thì làm sao để ý đến người khác?”, bà Thoa cho biết.

Trả lời báo chí mới đây, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã thừa nhận, có những bất cập trong việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ nội đô đến các bãi xử lý rác. Mỗi ngày toàn TP.HCM phát sinh hơn 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hầu hết việc thu gom rác trong các hộ dân do hơn 500 nhóm thu gom rác dân lập thực hiện, công nhân dịch vụ công ích 24 quận, huyện thu gom chỉ chiếm khoảng 40%. Rác thu gom từ các nhóm thu gom dân lập tập kết tại điểm hẹn rồi xe chở rác chuyên dụng ép lên chở đến bãi rác xử lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày bình quân có khoảng 700 chuyến xe chuyên dụng chở rác chạy trên địa bàn Thành phố. Trước đây xe chở rác chuyên dụng chỉ cho chạy vào ban đêm, nhưng sau đó quy trình có thay đổi và TP.HCM cho phép chạy vào ban ngày, bởi nếu không thì không chuyển hết lượng rác thải ở nội đô.

Ông Tuấn Anh khẳng định, xe thu gom rác tự chế di chuyển trên các tuyến đường là vi phạm quy định về an toàn giao thông và không đảm bảo quy chuẩn thiết bị trong việc thu gom rác thải. Thành phố đã có chủ trương hỗ trợ các chủ nhóm thu gom rác dân lập chuyển đổi trang thiết bị, phương tiện đúng quy chuẩn, đưa vào các tổ chức hoạt động bài bản, chứ không để nhỏ lẻ, tự phát và khó kiểm soát như hiện nay.

Cũng chính vì lẽ đó, mới đây, khi kết luận vấn đề liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và Công an Thành phố “kiểm tra toàn bộ phương tiện chuyên chở rác, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện theo quy định hiện hành”. Tuy nhiên, việc thực hiện không hề dễ dàng.

“Trong bối cảnh hiện tại, khó mà xử phạt người điều khiển xe thu gom rác tự chế ở các nhóm thu gom rác dân lập bởi họ là những người nghèo, thậm chí rất nghèo. Nghèo mới đi làm công việc trong môi trường hôi hám này. Chỉ những người quản lý, ông chủ của nhóm thu gom rác dân lập mới giàu. Khó xử phạt được họ cũng đồng nghĩa với việc xe rác sẽ còn hôi dài dài”, một chuyên gia môi trường xin không nêu tên nói.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn