Ngày 7-10, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP. HCM”. Hàng loạt đề nghị, kiến nghị của các chuyên gia đã được đưa ra để xây dựng TP.HCM ngày càng văn minh, hiện đại.
Dừng xây đô thị ở vùng trũng
Tham luận của TS - kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP.HCM, nêu rõ việc xây dựng và phát triển đô thị ở TP hiện nay vẫn chưa theo kịp thực tế. Bằng chứng mà ông Năm đưa ra là tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường có phần gay gắt hơn. Ông Năm chỉ rõ công tác quy hoạch chưa thật sự đi trước một bước, chưa làm được tiền đề cho các ngành khác phát triển.
Dù đã thực hiện thành công nhiều công trình chỉnh trang đô thị nhưng TP.HCM cần phải đổi mới hơn nữa |
Từ những tồn tại đó, trong tham luận, TS-KTS Lê Văn Năm đề nghị phải nhanh chóng tiến hành thiết lập các phân vùng quy hoạch chi tiết; không nhất thiết phải lập quy hoạch chi tiết theo kiểu “phủ kín” trên địa bàn TP.HCM mà nên chọn ra những khu vực có yêu cầu chỉnh trang và phát triển để nghiên cứu trước, đề xuất cho đúng thực chất là quy hoạch hướng dẫn đầu tư thích hợp.
Đặc biệt, cần có sự phân công hợp lý sao cho thống nhất trên dưới (TP và quận - huyện). Chọn những nhân sự phụ trách từng khu vực để có điều kiện bám sát hiện trường, giải quyết nhanh và có hiệu quả công việc. Như vậy, việc chỉnh trang, phát triển đô thị mới đạt hiệu quả.
Đồng tình với tham luận của TS-KTS Lê Văn Năm, PGS-TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, còn kiến nghị thêm: Để phân vùng trong quản lý chỉnh trang và phát triển đô thị, nhất thiết cần có sự nghiên cứu điều chỉnh quy mô dân số dự kiến tăng thêm. “Bởi chúng ta không thể tăng thêm dân số, không nên phân bố dân số theo kiểu chia đều như hiện nay. Nghĩa là không thể phát triển đô thị ở các khu vực có nền đất yếu, trũng vì các vùng đất này đã, đang và sẽ bị ngập nước do biến đổi khí hậu” - ông Hòa nhấn mạnh.
Phải ưu tiên dự án chỉnh trang
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS-KTS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, cho rằng theo thống kê, số lượng dự án mới ở TP HCM nhiều hơn dự án chỉnh trang đô thị. Đáng nói, nhiều dự án mới không được triển khai đúng thời hạn đã tạo thêm nhiều khoảng trống trong đô thị.
Theo TS-KTS Trần Thị Lan Anh, để việc chỉnh trang và phát triển đô thị đạt hiệu quả như mong muốn thì TP.HCM cần rà soát các đồ án, dự án đang triển khai nhằm cân đối đất đai, điều kiện chỉnh trang và phát triển đô thị. Cụ thể, phải rà soát lại các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch sắp được triển khai; các dự án cải tạo chung cư cũ; các dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Nam TP, khu đô thị Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc và khu đô thị Bình Quới Thanh Đa.
Còn theo tham luận của PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thì phải phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ giữa xây dựng mới và chỉnh trang đô thị hiện hữu. Để làm được việc này, TP.HCM cần hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, bắt đầu từ khâu quy hoạch cho đến bảo dưỡng công trình.
Đặc biệt, về quy hoạch đô thị, TP.HCM cần lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, sau đó triển khai dựa trên nền tảng quy hoạch chung TP đến năm 2025 nhằm tạo sự kết nối đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng toàn đô thị cũng như đưa ra được lộ trình triển khai các dự án.
Nhiều kiến nghị đột phá
Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là một trong 7 chương trình đột phá của TP, thể hiện sự tiếp nối không mệt mỏi, sự kiên trì và quyết tâm của Đảng bộ TP về chăm lo cuộc sống nhân dân. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch; cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% để thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp được xây dựng trước năm 1975...
Theo ông Phong, để hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, đòi hỏi TP.HCM phải đưa ra được những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của TP. Theo đó, TP kiến nghị trung ương cho phép được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ chế tài chính.
TP.HCM kiến nghị trung ương phân cấp, ủy quyền cho TP trên cơ sở bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp một cách thường xuyên, liên tục suốt nhiệm kỳ thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị và các giai đoạn sau.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cam kết trong thời gian tới, Bộ sẽ ủng hộ mạnh mẽ để TP.HCM sớm hoàn thành tốt nhất mục tiêu đã đề ra.
Phải có tư duy mới Trao đổi tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng chỉnh trang, phát triển đô thị ở TP.HCM cần phải được nhìn nhận dưới tư duy mới, có sự phối hợp rõ ràng giữa các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Hà, tuy còn hạn chế nhưng công tác chỉnh trang và phát triển đô thị ở TP. HCM đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Điều này được thể hiện qua việc có nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại được xây dựng, hệ thống hạ tầng ngày càng được nâng cao và hiện đại hóa. |
Theo NLĐ