Tranh luận trên truyền hình – Nét đặc thù của bầu cử Tổng thống Mỹ

Thứ ba, 11/10/2016, 14:09
Các cuộc tranh luận - đối kháng trực tiếp trên truyền hình là một nét đặc thù của bầu cử Tổng thống Mỹ, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thu phục những lá phiếu của các cử tri còn do dự...

Nếu như sau cuộc tranh luận đầu tiên, ứng cử viên của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đã tỏ rõ ưu thế của mình bằng phong thái điềm tĩnh và bản lĩnh của một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm trước đối thủ từ đảng Cộng hòa thích “xỉa xói” và khích bác, thì ở màn tranh luận của hai “phó tướng” lại thu về kết quả ngược lại khiến hàng trăm triệu khán giả xem truyền hình và cử tri toàn nước Mỹ thêm phấn khích với cuộc đua vào chiếc ghế quyền lực của Nhà Trắng.

Các cuộc tranh luận - đối kháng trực tiếp trên truyền hình là một nét đặc thù của bầu cử Tổng thống Mỹ, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thu phục những lá phiếu của các cử tri còn do dự. Không phải là những màn đăng đàn đầy ngẫu hứng, các cuộc tranh luận giữa ứng viên tổng thống và cấp phó của mình từ lâu đã được luật hóa và có những quy định đòi hỏi các nhân vật chính phải uyên bác trên nhiều lĩnh vực và bản lĩnh trình bày luận điểm trước công chúng.

Cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm 1960 với sự tham gia của hai ứng viên John F. Kennedy và Richard Nixon thu hút hơn 66 triệu người xem trong số 179 triệu dân, trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Trước đó, hai đại diện của cả hai đảng chính là Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng việc vận động bầu cử nếu không được công khai hóa trước các tầng lớp cử tri thì người chiến thắng sau cùng khó được xem là một tổng thống danh chính ngôn thuận.

Để tổ chức cuộc tranh luận, Quốc hội Mỹ phải thông qua một đạo luật đặc biệt vì hiệu lực của Đạo luật Truyền thông ban hành từ năm 1934 quy định: các kênh truyền hình, truyền thanh phải dành cho tất cả các ứng viên tổng thống thời lượng xuất hiện bằng nhau. Vì vậy, Quốc hội Mỹ tạm thời cho ngưng áp dụng điều khoản nói trên. Đến năm 1975, Ủy ban Truyền thông Liên bang cho phép tổ chức tranh luận giữa hai ứng viên đảng lớn mà không cần đạo luật đặc biệt của Quốc hội. Các cuộc tranh luận năm 1980 thu hút 80 triệu người xem trong số 226 triệu người dân.

Những cuộc tranh luận gần đây thu hút lượng người theo dõi ít hơn, 46 triệu người (cuộc tranh luận đầu tiên năm 2000) và hơn 67 triệu người cho cuộc tranh luận đầu tiên năm 2012. Các cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, phát thanh và trên cả Internet trong những năm gần đây.

Các cuộc tranh luận trực tiếp được tổ chức vào giai đoạn cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sau khi các đảng chính trị đã đề cử ứng viên của mình. Các ứng viên (chủ yếu là của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa) gặp nhau tại một hội trường lớn, thường là ở một trường đại học, trước đông đảo khán giả. Định dạng (format) của các cuộc tranh luận không giống nhau, với nhiều câu hỏi đôi khi do một hoặc nhiều hơn một nhà báo với vai trò là người dẫn chương trình đóng vai trò điều tiết cuộc tranh luận.

Trong một số trường hợp, câu hỏi do khán giả trong khán phòng đặt ra. Người điều khiển chương trình thường là một nhà báo truyền hình nổi tiếng. Từ năm 1988 đến năm 2000, format cuộc tranh luận được điều chỉnh bởi một biên bản ghi nhớ (MOU) bí mật giữa hai ứng viên chính. Vào năm 2004, trước khi ra tranh luận, hai ứng viên cũng tiến hành thương thảo MOU, nhưng không như các thỏa thuận trước đó, nó được hai ứng viên đồng công bố.

Cũng trong mùa bầu cử năm 1960, vòng tranh luận thứ ba giữa Kennedy và Nixon diễn ra một cách đặc biệt khi hai ứng viên không cùng xuất hiện trên một sân khấu. Kennedy ngồi ở trường quay tại New York trong khi Nixon ghi hình tại Hollywood, cách nhau gần 5.000km. Người điều khiển cuộc tranh luận lại ngồi ở một trường quay khác. 80,6 triệu người Mỹ đã bật tivi vào ngày 28-10-1980 để theo dõi màn đối đầu giữa hai ứng viên Jimmy Carter và Ronald Reagan. Đây là cuộc tranh luận thu hút đông người xem nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.

John F. Kennedy (trái) và Richard Nixon (phải) trong cuộc tranh luận trên truyền hình lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1960. Ảnh: AP.

Thời gian dành cho các ứng viên trong một cuộc tranh luận được phân chia đều nhau. Họ được dành cho một lượng thời gian như nhau để phát biểu mở đầu, kết thúc về các vấn đề và những gì khán giả nghe trong suốt cuộc tranh luận. Tính tự nhiên là yếu tố quan trọng nhất trong một cuộc tranh luận. Thiếu sự tự nhiên đáp lại những câu hỏi bám đuổi, các cuộc tranh luận cũng chẳng khác gì việc các ứng viên học thuộc thông cáo báo chí rồi “trả bài” trên sóng truyền hình.

Quan điểm thể hiện trong các cuộc tranh luận cũng nên là phi đảng phái, bởi vì các ứng viên phải thể hiện họ xứng đáng là tổng thống nước Mỹ trong tương lai chứ không phải là một lãnh đạo đảng phái nào. Một cuộc tranh luận lý tưởng nên mở cho tất cả ứng viên tổng thống, những người đáp ứng đủ điều kiện, và format cuộc tranh luận nên công bằng với tất cả ứng viên tham gia. Điều này phụ thuộc rất nhiều ở người điều tiết cuộc tranh luận trung lập trong việc phân bổ thời gian, điều phối câu hỏi...

Việc lựa chọn một địa điểm cho một cuộc tranh luận cũng là một vấn đề. Quê hương hoặc nơi cư trú của ứng viên bị loại khỏi danh sách lựa chọn tổ chức cuộc tranh luận. Do các cuộc tranh luận tổng thống thường được tổ chức ở các trường đại học, cao đẳng nên trường mà các ứng viên từng theo học cũng bị loại.

Các thị trấn, thành phố nhỏ không bao giờ được lựa chọn vì không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của Ủy ban Tranh luận tổng thống (CPD), như phải đáp ứng ít nhất 3.000 phòng khách sạn và 7.500 USD phí đăng ký. Mục đích của cuộc tranh luận là để cử tri biết rõ về quan điểm của ứng viên về các vấn đề khác nhau nhưng hầu hết các kết quả của tranh luận tổng thống đều dựa vào nhận thức.

Như trong vòng tranh luận diễn ra tuần trước giữa bà H. Clinton và ông D. Trump, trong khi đa số cho rằng bà H. Clinton “trên cơ” ông tỉ phú bất động sản thì vẫn có nhiều người cho rằng khẩu khí của ông ấy thể hiện thế mới thật đáng nể! Đôi khi, khán giả theo dõi cũng thấy rõ ai thắng, ai thua; như Tổng thống George H.W. Bush dễ dàng bị đoán ra là “kẻ hết thời” khi ông thỉnh thoảng lại liếc đồng hồ đeo tay trong cuộc tranh luận tổ chức ở một tòa thị chính năm 1992 (năm ấy ông Bill Clinton thắng cử).

Một lực lượng “ẩn mình sau tấm phông” của những cuộc tranh luận nhưng lại có vai trò không thể xem thường, đó là các nhà bình luận. Trước khi diễn ra cuộc tranh luận, họ dẫn dắt khán giả bằng cách khơi gợi khán giả “nên trông đợi những gì” ở ông ứng viên A., bà ứng viên B.

Sau cuộc tranh luận, trong khi đa phần còn “lùng bùng lỗ tai”, họ “xoay” khán giả bằng hàng tràng phân tích những gì các ứng viên vừa nói, vừa thể hiện. Những gì các nhà bình luận và giới ký giả, phóng viên chọn để thảo luận “như pháo ran” sau đó có thể giúp cử tri định hình bỏ phiếu cho người nào. Tóm tại, điều quan trọng nhất vẫn là hướng ý nghĩ của công chúng về ai là người giành chiến thắng trong cuộc tranh luận. Các công ty thăm dò ý kiến đã tạo ra hẳn một ngành chuyên theo dõi các cử tri nghĩ gì.

Ngay khi cuộc tranh luận kết thúc, các công ty này và báo chí có nhân viên gọi điện cho các cử tri đăng ký để hỏi họ nghĩ gì về cuộc tranh luận. Trong vòng vài giờ, các cuộc thăm dò công khai kết quả và người chiến thắng trở nên rõ ràng. Ngày nay, với sự hỗ trợ của Internet, kết quả thăm dò được công bố với tốc độ chóng mặt.

Thời gian đầu, các cuộc tranh luận Tổng thống thường bị phê phán là "khô khan và ứng viên trả lời lan man, mất tập trung". Nhưng chỉ sau vài thập kỷ, công nghệ đã can thiệp để thay đổi các quy tắc của cuộc tranh luận. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008, CNN tổ chức hai cuộc tranh luận cho cả ứng viên Dân chủ và Cộng hòa bằng cách sử dụng các câu hỏi do cử tri đặt ra qua YouTube và kênh chia sẻ video clip này không phải là kênh truyền thông mới duy nhất trình diễn sức mạnh trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm đó.

Mạng xã hội MySpace và MTV cũng tham gia tổ chức một loạt diễn đàn, mỗi lần xuất hiện trên diễn đàn chỉ có một ứng viên, ở đó người xem đặt câu hỏi qua email và tin nhắn chat. Định dạng này cũng được dân công nghệ ủng hộ nhiệt tình; các câu hỏi theo thời gian thực được người điều tiết lựa chọn trực tiếp. Các ứng viên được khán giả bình chọn xếp hạng, với kết quả đăng liên tục trên MySpace và kênh MTV.

Dịch vụ mạng xã hội Twitter cũng làm nên chuyện trong năm bầu cử 2008. Những người đại diện cho Barack Obama và John McCain phản hồi các câu hỏi từ biên tập viên tạp chí Time qua chat. Với việc đăng ký để nhận Tweet từ người điều tiết là biên tập viên tạp chí Time và phản hồi của đại diện các ứng viên, bất cứ ai có smartphone đều theo dõi và tham gia được cuộc tranh luận (bên lề) này.

Định dạng Twitter cho phép tin nhắn không quá 140 ký tự cho nên các phản hồi buộc phải ngắn và tập trung vào vấn đề. Ở đây, rõ ràng công nghệ giúp tăng cường sự minh bạch trong tiến trình chính trị và người đại diện các đảng phái lớn sẽ tìm ra cách để khai thác công nghệ mới phục vụ cho mục đích của mình.

Vài chi tiết nhỏ cuối cùng: Ai là người phải trả lời đầu tiên? Việc này dựa trên kết quả của việc tung đồng xu trước khi cuộc tranh luận lên sóng. Như tuần trước, câu hỏi đầu tiên của buổi tranh luận sẽ thuộc về bà Clinton, sau đó là câu hỏi tương tự dành cho ông Trump. Ở phần thứ hai, ông Trump là người “khai khẩu”.

Vị trí ngồi của hai ứng viên cũng dựa trên kết quả tung đồng xu, như mọi người đã thấy, bà Clinton đứng ở phía bên trái sân khấu (bên phải khán giả) và ông Trump đứng ở phía bên kia...

Theo ANTG

Các tin cũ hơn