Dạy thêm học thêm tại TP.HCM: Cấm rồi lại cho!?

Thứ ba, 11/10/2016, 15:22
Vì sao một chủ trương nhận được sự ủng hộ của xã hội nhưng về sau lại bị phản ứng, dẫn đến việc Thành ủy TP.HCM vừa ra kết luận quay về như cũ?
Học sinh TP.HCM học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ
Không tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường đối với các trường có học sinh (HS) học 2 buổi/ngày và HS tiểu học; việc dạy thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS, phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của HS. Đây là những kết luận mới của Thành ủy TP.HCM về dạy thêm học thêm.
Đổi mới lại quay về cái cũ
Trong tháng 7 và 9, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, Sở GD-ĐT có văn ban gửi các đơn vị, cơ sở giáo dục về việc cấm dạy thêm học thêm trong trường học kể từ năm học 2016 - 2017. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, Thành ủy TP.HCM đã có thông báo cho phép được tổ chức dạy thêm ở những trường không dạy 2 buổi/ngày và trên cơ sở tự nguyện của học sinh HS.
Chiều qua, trao đổi với phóng viên Thanh Niên tại sao có sự thay đổi này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết theo Thành ủy TP.HCM, chủ trương chấm dứt tình trạng dạy thêm tràn lan, tiêu cực của Thành ủy là đúng với nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, phù hợp với mong muốn của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục còn chậm đổi mới, phương pháp thi cử còn thiên về kiểm tra kiến thức, nhu cầu học thêm vẫn còn trong một bộ phận HS và phụ huynh.
“Vì vậy, việc triển khai thực hiện chủ trương trên cần quyết liệt nhưng phải có lộ trình, cách làm phù hợp, cụ thể, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến phụ huynh, HS và đội ngũ thầy cô giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo đó, chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay. Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có HS học 2 buổi/ngày và đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội.
Việc dạy thêm được tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS, phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của HS.
Những quy định này không khác gì với Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và các quyết định triển khai của TP.HCM về vấn đề này trong nhiều năm qua.
Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là lợi ích nhóm
Vấn đề là tại sao từ một chủ trương ban đầu rất được nhiều người ủng hộ - cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thì hiện nay lại khiến phụ huynh hoang mang.
Bạn đọc Trần Phong Lưu viết trên Báo điện tử Thanh Niên: “Chủ trương thì hay, thực hiện thì dở. Việc cần loại bỏ thì vẫn sờ sờ, HS vẫn bị o ép và giáo viên (GV) lôi kéo HS ào ào, vẫn phải đi học vì sợ mất điểm. Trong khi nhu cầu dạy thêm và học thêm chính đáng thì lại bị loại một cách đáng tiếc”. Còn bạn đọc Nguyễn Văn Phúc bức xúc: “Cấm rồi mở hướng cho phép... một lời khó nói hết”.
Mới nghe thông tin cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường, chị L.T.H (ngụ tại Q.11, TP.HCM) cho rằng: “Một chính sách, một chủ trương của thành phố ban hành sao giống như trò đùa. Không thể để GV buổi sáng dạy một ít, buổi chiều dạy thêm một ít nữa”.
“Trường công - cơ sở vật chất là của nhà nước, không thể để một nhóm người tự lấy của công để làm ăn riêng. Như thế gọi là lợi ích nhóm. Muốn dạy thêm cứ ra ngoài mà dạy, có đăng ký và kê khai đóng thuế cho nhà nước. Tuyệt đối không được nhập nhằng giữa công - tư”, một phụ huynh ở Q.3, TP.HCM bức xúc nói. Phụ huynh này cũng đề nghị cần thanh tra các hoạt động dạy thêm, học thêm của trường học từ trước đến nay. Vì lâu nay có ý kiến cho rằng nguồn thu trong việc dạy thêm các trường bỏ ngoài sổ sách để tự chia nhau.
Trong khi đó, hiệu phó một trường THPT ở TP.HCM cho biết: Việc thay đổi quy định dạy thêm, học thêm khiến các trường bị quay như chong chóng. Quá mệt mỏi. Chính sách thì không thể sáng nắng, chiều mưa và cũng không thể đẽo cày giữa đường. Theo tôi, cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường và cấm dạy HS chính khóa là đúng”.
Làm sao biết được học sinh tự nguyện ?
Quy định dạy thêm, học thêm ghi rõ “tổ chức trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS”. Vấn đề lo ngại là làm sao biết được HS thật sự tự nguyện hay “ép tự nguyện”? Ông Hoàng nhìn nhận việc viết đơn đăng ký tự nguyện học thêm như dư luận phản ảnh chỉ là kỹ thuật. Nếu muốn, GV có thể “bỏ nhỏ” để phụ huynh, HS thực hiện.
“Tuy nhiên, để đảm bảo các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất về việc quản lý và GV phải chịu trách nhiệm trước việc của mình làm. Hiệu trưởng phải biết, không thể nói không biết. Không biết là chưa làm đúng chức năng quản lý”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Còn hiệu trưởng một trường THPT cho rằng chủ trương, chính sách cứ thay đổi liên tục khiến người quản lý cũng như GV quá mệt mỏi. “Sắp tới sẽ họp phụ huynh nói rõ, căn cứ phản ánh của phụ huynh sẽ cho GV đối chất để có bằng chứng rõ ràng, từ đó sẽ xử lý những trường hợp GV ép buộc, dạy thêm tiêu cực”, người này nói.
“Không bao giờ có chuyện tự nguyện mà chỉ luôn luôn là ép tự nguyện. Tôi nghĩ sau chủ trương mới này thì việc bùng phát dạy thêm, học thêm sẽ càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rồi đây con tôi sẽ nhận được đơn xin học thêm tự nguyện của nhà trường in sẵn rồi phát cho con tôi đem về bắt tôi điền thông tin”, một phụ huynh tại Q.5 bức xúc.
Còn nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 cho rằng biến nhà trường thành nơi tổ chức dạy thêm học thêm sẽ khiến dư luận bức xúc. Nói là tự nguyện nhưng khi nhà trường đã tổ chức, phụ huynh thấy con người khác học mà con mình không học thì sẽ không an tâm.
Các biện pháp chấm dứt dạy thêm, học thêm tiêu cực
Kết luận của Thành ủy cũng đưa ra các biện pháp đi đến chấm dứt dạy thêm, học thêm tiêu cực như: Nâng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, giảm sĩ số lớp học để đảm bảo chất lượng, tạo điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, tăng cường tổ chức các hoạt động thí nghiệm, thực hành...
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ GV về nhà ở, nâng cao thu nhập, nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nhằm tăng thêm nguồn phụ cấp cho GV dạy các lớp vượt sĩ số chuẩn, phụ cấp dạy phụ đạo cho HS chưa theo kịp chương trình, bồi dưỡng HS giỏi bằng nguồn ngân sách TP.
Tiếp tục rà soát quy hoạch để ưu tiên giao đất đầu tư xây dựng trường học, hoàn thiện các chính sách để đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học mới trên 10.000 dân trước năm 2020. Biên soạn bộ sách giáo khoa mới đạt chất lượng cao nhất, đáp ứng chương trình mới, tạo điều kiện để đổi mới phương pháp học, khuyến khích HS tự học, hướng đến mục tiêu giảm tải, giảm áp lực cho HS.
Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích