Đại biểu HĐND TP.HCM: 'Cấm dạy thêm chạm lòng tự trọng của thầy cô'

Thứ năm, 25/08/2016, 08:46
Cho rằng việc cấm dạy thêm trong trường là cần thiết nhưng nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị cần thực hiện có lộ trình và tránh làm tổn thương giáo viên.

Chiều 24/8, trao đổi với PV, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM - cho rằng, việc dạy thêm học thêm thời gian qua phát sinh nhiều tiêu cực, hệ lụy nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích của nó đối với nhiều phụ huynh, học sinh.

Theo bà Nhung, hiện học sinh có quá nhiều kỳ thi cử trong năm và trong cả chặng đường học phổ thông: thi cuối cấp, thi lên lớp 10, thi để vào đại học. Khi chương trình học còn nặng thì việc học thêm của học sinh là nhu cầu có thật.

Lương của giáo viên mới ra trường hiện chỉ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Ngay cả thầy cô có thâm niên 20 năm, tính cả phụ cấp, cũng chỉ khoảng 7 triệu. Thu nhập thấp nên nhiều giáo viên phải làm thêm để cải thiện đời sống.

"Giáo viên được ví là là những người trồng người, được cả xã hội kính trọng. Việc đưa ra quy định cấm dạy thêm trong trường như vậy vô tình động chạm đến lòng tự trọng của các thầy cô, làm họ tổn thương", bà Nhung nói.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM khẳng định, quy định cấm là cần thiết nhưng phải có lộ trình, thận trọng và đồng bộ. Trước khi đưa ra quy định này, ngành giáo dục cần phải điều tra xã hội học từ nhiều nguồn: giáo viên, phụ huynh, học sinh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng sau đó mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Bà Nhung cho hay, đến đầu tháng 9, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ có buổi đối thoại thẳng thắn về vấn đề này với ngành giáo dục, các chuyên gia giáo dục và các thầy cô ở TP.HCM.

Học sinh tiểu học TP.HCM trong ngày tựu trường 15/8.

Cùng quan điểm, đại biểu HĐND Trần Hải Yến (Phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè) nói rằng, thời gian qua bà đã nghe nhiều tâm tình của các thầy cô về quyết định cấm dạy thêm trong trường. Đa số đều tỏ ra buồn về quyết định này.

Thành phố cần xem xét chuyện dạy thêm, học thêm ở nhiều góc độ. Nếu cấm dạy thêm ở trong trường thì việc dạy thêm sẽ "di dời" ra khỏi trường và tồn tại ở các trung tâm bồi dưỡng, các cơ sở bên ngoài nên công tác quản lý sẽ gặp nhiều bất cập. Ngoài ra, chỉ có học sinh nội thành dễ dàng tìm được các trung tâm bồi dưỡng văn hóa để học thêm, còn học sinh ở các huyện sẽ gặp khó khăn.

Khẳng định dạy thêm, học thêm đã mang lại nhiều hệ lụy, song theo bà Yến việc cấm hoạt động này trong trường cần làm từng bước. Hai vấn đề cốt lõi cần được giải quyết từ "gốc" là: chương trình học nặng nề và thu nhập giáo viên còn thấp.

"Chúng tôi sẽ nêu các tâm tư của thầy cô trong thời gian qua với ngành giáo dục", bà Yến cho hay.

Nêu quan điểm về vấn đề này, một đại biểu khác nói: "TP.HCM cấm dạy thêm trong trường nhưng chưa có cơ sở để chứng minh dạy thêm ngoài trường sẽ không biến tướng, nảy sinh thêm tiêu cực".

Theo ông, muốn hạn chế dạy thêm, học thêm thì chương trình học phải giảm tải. Trong đó, việc tự biên soạn bộ sách giáo khoa mới mà TP.HCM đang triển khai cần theo hướng giảm môn học, tăng các tiết kỹ năng mềm.

"Cần xem xét các phương án để tăng thu nhập cho giáo viên song song với việc cấm dạy thêm. Nếu trong năm nay vẫn thực hiện quy định cấm thì sau năm học này phải điều tra xã hội học để có cái nhìn tổng quan", đại biểu này đề xuất.

Trước đó, chiều qua 23/8, trong buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM), ông Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng - đã khóc khi nói về những bất cập khi thành phố cấm dạy thêm.

Hồi đầu tháng 8, trong cuộc họp nội bộ chuẩn bị cho năm học mới của ngành giáo dục TP.HCM, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng dạy thêm vẫn mang lại những lợi ích nhất định nên kiến nghị thành phố xem xét lại quyết định ngưng hoạt động này.

"Lệnh" cấm dạy thêm, học thêm được thực hiện sau khi Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM yêu cầu chấm dứt tổ chức trong trường học.

Theo VNE

Các tin cũ hơn