Chặt chân tay lấy 3,5 tỷ bảo hiểm: 'Tiền mất tật mang'

Thứ tư, 24/08/2016, 15:15
"Chỉ khi thói quen gian lận và lối suy nghĩ thiển cận, người ta mới có thể thuê người chặt chân tay mình, mong lấy 3,5 tỷ đồng bảo hiểm", độc giả Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm.

Tối 23/8, phụ nữ 30 tuổi, tên Niên (Phúc Thọ, Hà Nội) thuê Doãn Văn Doanh (21 tuổi) chặt đứt một phần bàn tay trái và bàn chân trái, dựng hiện trường thương tích do tai nạn đường sắt. Sau đó, chị này yêu cầu được thanh toán khoảng 3,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm.

Qua điều tra, công an quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội xác nhận, đây là hành vi tự chặt chân, tay nhằm trục lợi bảo hiểm.

Nơi người phụ nữ giả tai nạn giao thông đường sắt để lấy tiền bảo hiểm.

Không phải tiền, sức khỏe mới quan trọng nhất

Trước sự việc đang gây xôn xao dư luận, phần lớn ý kiến chỉ trích hành động tiêu cực của người phụ nữ 30 tuổi.

Mạnh Nguyễn viết: "Đau đớn, tàn tật, xấu hổ là cái giá phải trả lớn nhất cho hành động này. Kể cả lấy được tiền tỷ nhưng mất một chân, tay, cuộc sống còn ý nghĩa gì?".

Trang Mai Đỗ cho rằng, 3,5 tỷ là số tiền rất lớn, nhưng cầm tiền rồi trở thành người tàn phế, thêm gánh nặng cho gia đình, người thân. Khi đó bao nhiêu tiền cũng không bù lại được.

Cùng quan điểm trên, Trần Sang lên tiếng: "Chị này nghĩ tiêu cực quá, vừa vi phạm luật pháp, vừa tổn hại chính cơ thể mình, còn kéo theo một người chịu tội chung. Giờ tiền không có, lại đối mặt luật pháp, đúng là tiền mất tật mang".

Theo Vĩnh Nghĩa Trương, chính sự thiếu hiểu biết về luật pháp và suy nghĩ thiển cận đã khiến phụ nữ trên dám thuê người chặt chân tay mình. "Có thể chị ấy túng quá làm liều. Mình chỉ có vết thương nhỏ thôi còn thấy đau, đằng này chặt tay, chân", thành viên này cho hay.

Ngô Phương Lan - y tá Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ngao ngán - cho rằng, việc người phụ nữ này làm không thể tha thứ được.

Bằng kinh nghiệm làm việc của mình, cô kể những trường hợp bệnh nhân bị mất tứ chi: "Hãy vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức xem một ca tai nạn cụt chi kinh khủng thế nào. Cứ cồn i-ốt với muối sinh lý rửa vết thương đau đớn chết đi sống lại. Bao nhiêu tiền mua máu truyền bù, mua gạc ổ bụng lót máu. Rồi cả những bệnh nhân bị sốc tâm lý khi không thể tự cầm nắm hay đi lại".

Phương Lan khẳng định, chưa bàn đến luật pháp, việc một người lành lặn cố ý tự đưa mình trở thành người tàn tật là không thể chấp nhận.

Chân, tay bị chặt đứt của chị Niên.

Cái giá của gian lận là "tiền mất tật mang"

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, thói quen gian lận là nguyên nhân của sự việc này.

"Cái gì cũng tìm cách lách luật, gian lận. Các công ty bảo hiểm không dễ mất tiền vậy đâu. Chưa kể một bác sĩ nhìn vết thương là đoán ra ngay nguyên nhân", Phong Thần nêu quan điểm.

Yan's Nguyễn nhận định, trên phim ảnh cũng có sự việc tương tự, nhưng đây là đời thật, phải đánh đổi bằng mạng sống và sức khỏe của mình. Có sức khỏe mà không chịu lao động lại muốn gian lận theo cách tự hại bản thân là thiển cận.

Trần Công Mạnh - thành viên Câu lạc bộ tình nguyện Thật - không giấu nổi nỗi buồn khi biết về trường hợp này. Từng tham gia nhiều đợt quyên góp, tình nguyện và làm từ thiện cho trẻ em tàn tật, anh hiểu sự quan trọng của sức khỏe, thân thể con người.

"Cha mẹ sinh ra nguyên vẹn, giờ chỉ vì muốn gian lận tiền bạc, sẵn sàng chặt đi tay chân. Tôi bỗng nghĩ đến các em nhỏ thiếu tay, chân nhưng vẫn cố gắng tự kiếm sống bằng nghề đánh giày, bán kẹo cao su hay những trung tâm nghề của người tàn tật, những tấm gương 'tàn nhưng không phế'. Giá như phụ nữ này hiểu được nỗi đau khổ của họ", anh nói.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), chưa đến mức xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng chị Niên có thể bị phạt hành chính về hành vi “báo tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Dù được thuê hay vì động cơ nào khác, Doanh vẫn phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Trong trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11%, cả hai người liên quan sẽ bị xử lý theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung: Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê.

Theo Zing

Các tin cũ hơn