Theo Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn - đơn vị đầu tư lắp đặt 13 camera tại 7 nút giao thông có tình hình phức tạp trên địa bàn TP, hiệu quả của hệ thống này đã phát huy rất rõ khi không chỉ chống ùn tắc giao thông mà còn giám sát tình hình an ninh trật tự.
“Tai mắt” của CSGT
Giờ cao điểm sáng 23-8, tại giao lộ xa lộ Hà Nội - Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) - một trong những nút giao thông được gắn camera, chúng tôi ghi nhận không xảy ra tình trạng ùn ứ. Các loại xe lưu thông qua khu vực này đều được thông suốt do có lực lượng CSGT chốt trực điều tiết và phân làn.
Đây là khu vực được đánh giá thường xuyên xảy ra ùn tắc do lượng phương tiện tập trung cao ở cả 2 hướng trên xa lộ Hà Nội và trục đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt nên chỉ cần một sự cố xảy ra, kẹt xe sẽ trở nên trầm trọng và thực tế đã xảy ra ít nhất 2 lần vào năm 2015 do đèn tín hiệu giao thông hỏng.
Lực lượng CSGT chủ động điều tiết giao thông tại khu vực gần giao lộ xa lộ Hà Nội - Tây Hòa (quận Thủ Đức, TP.HCM) |
Một vị trí khác cũng đã được gắn camera là nút giao thông ngã sáu Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), ghi nhận sáng 23-8 cho thấy nơi đây cũng chỉ xảy ra ùn ứ cục bộ vào giờ cao điểm. Nguyên nhân là lượng phương tiện liên tục từ đường Nguyễn Kiệm và Nguyễn Thái Sơn dồn đến đường Hoàng Minh Giám bị xung đột với hướng lưu thông từ đường Hồng Hà qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng.
Tuy nhiên, nhờ có lực lượng CSGT tổ chức cho các phương tiện lưu thông nên điểm ùn ứ này nhanh chóng được giải tỏa. Một CSGT đứng phân làn tại khu vực này đánh giá đây là một trong những nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Do đó, nếu các lực lượng không chủ động trong việc tổ chức, phân làn trước khi ùn tắc xảy ra thì tình hình rất dễ bị mất kiểm soát và kẹt xe sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nhờ lên kịch bản từ trước do có hình ảnh từ hệ thống camera cung cấp, các đơn vị đã chủ động hơn trong việc xử lý.
Ông Lê Văn Nam (ngụ quận Bình Thạnh), lái xe ôm tại khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng, nói: “Từ ngày camera được lắp đặt tại đây, tôi thấy tình hình kẹt xe được cải thiện rất rõ và cũng giảm hẳn các trường hợp vượt đèn đỏ, chen lấn trên đường. Lực lượng CSGT thường xuyên có mặt điều tiết khi vừa xảy ra ùn ứ và nhờ đó mà kẹt xe nghiêm trọng như trước không còn”.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn, cho biết sau gần 1 năm lắp đặt camera tại 7 nút giao thông nói trên, hệ thống này đã có những hiệu quả rõ rệt trong việc chống ùn tắc giao thông. Theo ông Trung, ngoài những camera nói trên, hiện TP.HCM có gần 400 camera đã được các đơn vị lắp đặt, gồm của Sở Giao thông Vận tải, Kênh VOV Giao thông quốc gia - Đài Tiếng nói Việt Nam và khu Phú Mỹ Hưng (quận 7)…
Toàn bộ những hình ảnh và dữ liệu những camera này được truyền về Trung tâm Đường hầm sông Sài Gòn, sau đó tiếp tục chuyển tải đến Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM và Kênh VOV Giao thông quốc gia nhằm phối hợp thông báo để chủ động xử lý nếu xảy ra sự cố.
“Hệ thống camera đã tạo thành một mạng lưới và phát huy hiệu quả rõ rệt, phục vụ công tác giám sát giao thông cũng như an ninh trật tự trên địa bàn. Thông tin, hình ảnh từ camera giúp công tác ghi nhận thực tế chính xác, xác định nguyên nhân để từ đó điều động lực lượng ứng cứu kịp thời cũng như đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài” - ông Trung cho biết.
Tiếp tục nhân rộng
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng PC67, cho rằng việc lắp đặt camera là rất cần thiết để các đơn vị có thể chủ động xử lý những điểm ùn tắc, sự cố, tai nạn giao thông. Đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ để chống ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP trong tương lai. Theo ông Phong, tình hình giao thông tại TP.HCM đang rất phức tạp khi dân số cùng lượng phương tiện giao thông gia tăng một cách chóng mặt. “Lượng xe cá nhân gia tăng quá nhanh khi mỗi ngày có khoảng 1.000 xe máy và gần 200 ôtô đăng ký mới.
Hiện tại, dù lực lượng CSGT được huy động tối đa cũng không đủ để chốt trực ở tất cả các giao lộ, nút giao thông trên địa bàn TP nên rất khó chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra. Do đó, việc nhân rộng hệ thống camera quan sát giao thông là rất cần thiết do có thể tiết kiệm được nhân lực và hơn nữa là chủ động trong công tác xử lý” - ông Phong nhận định.
Cũng theo ông Phong, thực tế khi xảy ra ùn tắc, từ xa không quan sát và chủ động để tổ chức, phân làn giao thông. Trong khi lượng phương tiện liên tục dồn đến, ùn tắc sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Ngược lại, nếu xác định trước tình hình, các lực lượng chủ động tổ chức cho phương tiện lưu thông qua tuyến đường khác, không dồn đến vị trí ùn tắc sẽ giúp việc giải tỏa được nhanh chóng nên hình ảnh từ hệ thống camera là rất cần thiết.
PC67 đánh giá từ khi hệ thống giám sát giao thông bằng hình ảnh được vận hành ở một số nút giao thông trọng điểm, tình trạng các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ cũng giảm rõ rệt. Một trong những nguyên nhân được xác định là do người tham gia giao thông tự giác hơn trong việc chấp hành.
Trong khi đó, ông Trần Chí Trung cho biết việc lắp đặt camera không chỉ ở những điểm thường xuyên ùn tắc mà còn tại nhiều vị trí khác nhằm tạo thành một hệ thống có sự kết nối để các đơn vị có thể lên kịch bản cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Chủ trương đến năm 2017 sẽ có dự án kết nối 250/300 chốt tín hiệu đèn giao thông ở 78 tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP nhằm tự động điều chỉnh phù hợp để chống ùn tắc giao thông. “Về lâu dài, hệ thống sẽ có phần mềm đo đếm lượng xe và tốc độ để truyền dữ liệu về trung tâm xử lý. Qua đó, trung tâm sẽ có phương án điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông ở các giao lộ cho phù hợp và hiệu quả” - ông Trung nói.
Cần kết nối lâu dài
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng việc lắp đặt camera giám sát giao thông là một giải pháp tích cực để chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ hiệu quả hơn khi có sự kết nối lâu dài, quy hoạch đồng bộ với cơ sở hạ tầng và không gây lãng phí. |
Theo NLĐ