Động lực thúc đẩy Nhật Bản tăng cường phòng thủ tên lửa

Thứ ba, 23/08/2016, 14:30
Những động thái quyết liệt của Trung Quốc trên Hoa Đông cùng mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên đã trở thành những động lực chính thúc đẩy Nhật Bản tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa nhằm tự bảo vệ chính mình, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào ô bảo hộ của Mỹ.
Máy bay Nhật Bản tuần tra quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông

Các kế hoạch tăng cường phòng thủ của Nhật Bản

Tuần trước, Nhật Bản đã thông báo kế hoạch mua Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ sản xuất để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa sau khi Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hôm 3/8.

Sau đó, Tokyo tiếp tục tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa đất đối hải mới ở các đảo tại Okinawa với tầm bắn lên tới 300km, bao trùm toàn bộ chuỗi đảo đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Động thái này của Nhật Bản là nhằm đối phó với các vụ xâm phạm của tàu Bắc Kinh vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Tokyo tuyên bố chủ quyền và đang nắm quyền kiểm soát.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến sẽ đưa ra đề xuất ngân sách kỷ lục lên tới 5,16 nghìn tỷ yen (51,7 tỷ USD) cho năm tài khóa 2017, tăng 2,3% so với ngân sách hiện thời. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần tăng ngân sách quốc phòng thứ 5 liên tiếp của Tokyo.

Đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản bao gồm khoản tiền 100 tỷ yen để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3. Việc nâng cấp này sẽ giúp tăng gấp đôi phạm vi hoạt động của hệ thống tên lửa lên trên 30km. Đề xuất cũng bao gồm chi phí để sản xuất phiên bản Block IIA của hệ thống tên lửa Standard Missile-3 được phát triển chung với Mỹ, có thể bắn hạ các tên lửa ở tầm cao.

Mỹ và Hàn Quốc có sẵn lòng hỗ trợ Nhật Bản?

Nhật Bản hiện là nơi đồn trú của 84 căn cứ quân sự của Mỹ, chỉ xếp thứ 2 sau Đức trong danh sách những quốc gia mà Mỹ đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài. Mặc dù vẫn nằm dưới ô bảo hộ của Mỹ theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật nhưng trước nguy cơ đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên, chính phủ và lực lượng quốc phòng Nhật Bản đã nhận thức rõ về sự cần thiết của việc nâng cao khả năng phòng thủ để bắn hạ bất kỳ tên lửa nào gây nguy hiểm cho Tokyo.

Hải quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung

Trong khi một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về sự sẵn lòng của Mỹ trong việc hậu thuẫn Nhật Bản, đồng minh lớn nhất của Washington tại châu Á, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng có xu hướng leo thang, thì một số ý kiến khác lại chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Washington đang hỗ trợ để Tokyo tự phát triển năng lực phòng thủ của mình.

“Mỹ luôn khuyến khích chúng ta (Nhật Bản) tự chịu trách nhiệm về hệ thống phòng thủ của mình. Việc các bạn coi đó là sự ủng hộ của Mỹ, giống như cách chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang nhìn nhận, hay là sức ép từ Mỹ, phụ thuộc vào góc nhìn của bạn”, học giả Okumura nói.

Trong khi đó, Grant Newsham, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ về hưu đồng thời là sỹ quan liên lạc giữa Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF), cho rằng việc Mỹ hối thúc Nhật Bản phát triển năng lực phòng thủ không có nghĩa là muốn Tokyo phát triển một nền quân sự độc lập.

“Việc Mỹ khuyến khích Nhật Bản cải thiện khả năng phòng thủ được hiểu là xây dựng lực lượng JSDF hoạt động hiệu quả và hữu ích hơn đồng thời phối hợp cùng với lực lượng Mỹ, chứ không phải muốn Nhật Bản hoạt động độc lập”, Grant Newsham nói.

Trước đây Hàn Quốc từng nói rằng Nhật Bản có thể chia sẻ thông tin thu thập được từ hệ thống THAAD mà Mỹ và Hàn Quốc cùng phối hợp triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ ở châu Á trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, nhiều ý kiến lo ngại rằng thỏa thuận chia sẻ thông tin mà Seoul và Tokyo từng đạt được trước đó sẽ bị chết yểu. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc dường như đã kéo Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn.

“Một khi Hàn Quốc và Nhật Bản đã thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin, sẽ rất khó để hai nước dừng việc này lại. Quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản duy trì mối quan hệ tốt hơn so với chính phủ và các chính trị gia”, Jun Okumura, học giả từ Viện nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Meiji, nhận định.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn