Máy bay ném bom Tupolev Tu-22M-3M của Nga chuẩn bị cất cánh từ một căn cứ quân sự của Iran để thực hiện sứ mệnh tiêu diệt khủng bố ở Syria. |
Báo chí quốc tế gần đây rầm rộ đưa tin vê việc các máy bay ném bom của Nga cất cánh từ một căn cứ ở Iran để thực hiện sứ mệnh chống khủng bố ở Syria. Nhưng chính xác thì động thái này làm thay đổi điều gì và có ý nghĩa như thế nào?
Ông Mark N. Katz, Giáo sư chính trị của ĐH công lập George Mason (Mỹ) bình luận, chưa thể khẳng định rằng, việc các máy bay ném bom Nga xuất phát từ Iran sẽ hiệu quả hơn mặc dù khoảng cách được rút ngắn hơn có nghĩa là máy bay sẽ cần ít nhiên liệu hơn và mang được nhiều bom hơn.
Thực tế nhiều cuộc xung đột đã cho thấy, việc không kích ở trên không một cách đơn độc không đủ để đánh bại lực lượng phiến quân và khủng bố dưới mặt đất. Syria cũng không phải là ngoại lệ. Như tất cả những cuộc chiến khác, cần có một chiến dịch mặt đất với các lực lượng bộ binh được triển khai mới có khả năng giành được thắng lợi.
Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng, ông không có ý định triển khai bộ binh trên quy mô lớn tới Syria. Thay vào đó, theo Giáo sư Mỹ, các lực lượng mặt đất của Iran phối hợp với các chiến binh Hezbollah và lực lượng dân quân Shia đang đảm nhận việc này: chiến đấu trên mặt đất ở Syria. Tuy nhiên, liên minh này chưa thể giành chiến thắng mong muốn trên chiến trường và có lẽ Tehran đang cảm thấy thất vọng, nản lòng.
Do đó, theo ông Katz, việc máy bay ném bom Nga cất cánh từ Iran để thực hiện sự mệnh ở Syria mang tính biểu tượng nhằm thể hiện tình đoàn kết với Iran nhiều hơn là một động thái quân sự thiết thực.
Ngoài ra, động thái trên cũng nhằm thể hiện cho cả thế giới thấy rằng, liên minh quân sự Nga-Iran đang được củng cố và răng cường. Đặc biệt, cái bắt tay của Nga-Iran còn nhằm mục đích giúp Moscow gửi thông điệp mạnh mẽ tới Washington. Rằng, các bên, đặc biệt là Mỹ cần phải làm việc với Nga về vấn đề Syria đồng thời, Moscow cũng muốn Washington phải công nhận tiếng nói và tầm ảnh hưởng của Tehran trong cuộc xung đột tại đất nước Trung Đông.