Moscow đã cam kết một quan hệ đối tác thân mật hơn với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel – ba quốc gia chủ chốt mà Nga muốn phối hợp nhằm ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tới lãnh thổ của mình. Nhưng bên cạnh đó, quan hệ đối tác với các nước này tạo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin những cơ hội mới thay đổi trật tự chính trị trong khu vực.
Với việc bắt tay với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Nga phát đi một tín hiệu tới thế giới Hồi giáo rằng họ đại diện cho cả lợi ích của người Hồi giáo dòng Shiite (Iran) và dòng Sunni (Thổ Nhĩ Kỳ). Hơn nữa, bằng một chiến thắng trước quân khủng bố tại Syria, Moscow thể hiện mình như một đối tác đáng tin cậy trong các tình huống khủng hoảng và chứng tỏ tầm quan trọng của Nga trên trường quốc tế.
Moscow đã cam kết một quan hệ đối tác thân mật hơn với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Ảnh minh họa: AP |
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, không cần phải nói nhiều nữa, việc mở rộng quan hệ bằng hữu với Moscow đóng một vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh quan hệ với châu Âu đang xuống cấp thậm tệ, bất chấp thỏa thuận về người tị nạn. Vị trí của Thổ Nhĩ kỳ trên trường quốc tế đã sụt giảm mạnh trong vài tháng qua. Vì vậy, cơ hội hợp tác thân thiện hơn với Nga sẽ phần nào giúp Thổ Nhĩ Kỳ đóng một vai trò quan trọng tại Trung Đông.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Tayyip Erdogan và Tổng thống Putin tại Saint Petersbourg ngày 9/8 vừa qua đã có tác động ngay lập tức đối với tình hình tại Syria. Ankara đã giảm bớt chỉ trích đối với Tổng thống Assad và dường như Thổ Nhĩ Kỳ cũng bớt cởi mở và ủng hộ dành cho các lực lượng đối lập tại Damascus. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim gần đây thậm chí bóng gió về việc bình thường hóa quan hệ với Damascus.
Mới đây nhất, ngày 11/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này đã đề nghị tiến hành các chiến dịch chung với Nga nhằm chống IS tại Syria sau cuộc gặp lịch sử tại St Petersbourg, chấm dứt nhiều tháng khủng hoảng quan hệ. Ông Cavusoglu cho biết hợp tác chặt chẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ giúp ngăn chặn các sự cố như vụ máy bay Su-24.
Tổng thống Erdogan không chỉ loại bỏ các căng thẳng với Moscow, mà còn tái hòa giải với Israel và Iran. Sự hài hòa đáng ngạc nhiên giữa một Iran theo dòng Shiite với một Thổ Nhĩ Kỳ theo dòng Sunni có thể được lý giải là vì, đối với cả hai nước này, IS là một mối đe dọa cần được loại bỏ, và Không quân Nga đóng vai trò đặc biệt tích cực nhằm đạt mục đích này.
Điều thú vị là, ở vế kia của phương trình, Nga và Israel dường như đã tiến những bước dài hướng tới xây dựng một sự hiểu biết lẫn nhau có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thăm Moscow ba lần trong năm nay. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng Israel đang ngày một xích lại gần hơn với Nga. Ông Netanyahucũng không giấu giếm những khó chịu trong quan hệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người mà ông chỉ gặp một lần trong năm vừa qua.
Iran vốn là đối tác chủ chốt của Nga trong quá trình hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh bại các tay súng Hồi giáo cực đoan. Mới đây nhất, Nga đã sử dụng một căn cứ quân sự ở Iran để mở rộng các cuộc không kích vào các mục tiêu IS bên trong Syria. Đây là lần đầu tiên Nga áp dụng phương pháp này kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích Syria tháng 9/2015. Động thái này cho thấy Nga đang mở rộng vai trò và sự hiện diện tại Trung Đông. Có tin cho biết Nga cũng đang đề nghị cả Baghdad cho phép bắn tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu Syria từ Biển Caspea qua lãnh thổ Iraq.
Gần đây, khi Nga tuyên bố thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Syria, Iran và Iraq trong cuộc chiến chống IS, tờ The New York Times cho rằng Mỹ đã “nếm mùi thua cuộc”. Giờ đây, việc Nga sử dụng căn cứ quân sự tại Iran và sắp sử dụng không phận Iraq để tấn công IS, thì Nga sẽ “vượt mặt” Mỹ ở Trung Đông - một điểm nóng của thế giới. Nói cách khác, nước Nga dưới sự dẫn dắt của ông Putin đang tiến một bước dài trong việc lấy lại thế cân bằng trong cán cân quyền lực thế giới.
Chưa thể đoán trước liệu các mối quan hệ mới được thiết lập trên có được duy trì sau khi chiến thắng IS hay không. Nhưng rõ ràng quan hệ bộ tứ này đang mở ra một trật tự chính trị mới ở Trung Đông và đe dọa sự chế ngự trước đây của phương Tây. Phương Tây đang mất dần Thổ Nhĩ Kỳ - một tiền đồn của họ ở khu vực này.
Phương Tây cũng đã làm đồng minh Israel nổi giận và khiến Iran chỉ trích là “quỷ Satan” dù thỏa thuận hạt nhân lịch sử lẽ ra phải bắt đầu một kỷ nguyên hợp tác mới trong quan hệ song phương.
Theo Vietnamnet