Tỉ phú Donald Trump và con gái Ivanka trong một cuộc họp báo ở khách sạn Trump International Hotel and Tower tại Chicago, Mỹ. Ảnh: AFP |
Điều tra của New York Times cho thấy các công ty của Trump đang nợ ít nhất 650 triệu USD, gấp đôi số tiền công bố trên các bản khai tài chính của Trump.
Cũng theo điều tra này, việc làm ăn của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa phụ thuộc vào nhiều đại gia tài chính, trái ngược hẳn với hình ảnh độc lập mà vị tỉ phú bạo miệng vẫn hay tuyên bố.
Nợ 2 tỉ USD trong sở hữu hợp doanh
Khi ra tranh cử tổng thống Mỹ, tỉ phú Trump phải nộp bản kê khai tài chính dài 104 trang. Theo kê khai này, các công ty của Trump đang nợ ít nhất 315 triệu USD với một nhóm khá nhỏ các chủ nợ, và cũng có quan hệ làm ăn với hơn 500 công ty tư nhân khác.
Trong khi đó, con số do The New York Times đưa ra là 650 triệu USD. Tuy nhiên, tờ báo này nhận định bản mẫu kê khai vốn được thiết kế cho những ứng viên có khối tài sản ít phức tạp hơn ông Trump nhiều. Nên việc khai không hết đơn thuần do bản mẫu không lường hết cấu trúc tài sản của ứng viên này.
Ông Allen Weisselberg, Giám đốc tài chính của Trump Organization, nói rằng tỉ phú Trump thậm chí có quyền để trống mục khai báo nợ trong kê khai, vì luật liên bang chỉ yêu cầu khai báo về nợ cá nhân, không phải nợ doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã khai báo vượt mức”, ông Weisselberg nói, giải thích thêm rằng phía ông Trump đã quyết định đối với các công ty mà tỉ phú này sở hữu 100%, họ sẽ công khai những khoản nợ liên quan đến công ty này trong kê khai.
Ngoài khoản nợ 650 triệu USD, điều tra của Times cho thấy một phần nhỏ tài sản của Trump nằm trong ba sở hữu hợp doanh mà đang nợ tới 2 tỉ USD.
Tòa nhà Trump Tower ở Đại lộ 5 (quận Manhattan, New York). Ảnh: Reuters |
Con nợ của Ngân hàng Trung Quốc
Tòa nhà văn phòng ở đại lộ 6 ở Manhattan, ông Trump đang sở hữu cùng với một liên danh. Và liên danh này đang nợ 950 triệu USD với một trong những chủ nợ là ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), một trong những ngân hàng lớn nhất từ đất nước mà tỉ phú này luôn chỉ trích là kẻ thù đối với nền kinh tế Mỹ, là nơi cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ.
Một chủ nợ nữa của dự án này là tập đoàn tài chính Goldman Sachs, vốn bị Trump cáo buộc là thế lực đứng sau đối thủ Hillary Clinton sau khi công ty này trả bà Clinton 675.000 USD tiền phí diễn thuyết.
Trên đây là vài ví dụ cho thấy sự liên đới quyền lực phức tạp trong khối tài sản của tỉ phú Trump. Trong khi đó, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ phải đưa ra nhiều chính sách tiền tệ và thuế quan trọng, có quyền bổ nhiệm nhiều chức vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của mình, điều có thể dẫn tới mâu thuẫn lợi ích.
Ông cũng có ảnh hưởng lên những vấn đề hành pháp vốn có thể tác động trực tiếp tới giá trị tài sản ròng của mình, hoặc phải trực tiếp làm việc với các quốc gia mà ông đã hoặc đang có quan hệ làm ăn.
Tháp đồng hồ ở tòa nhà bưu điện gần Nhà Trắng, hiện đang được xây dựng thành khách sạn Trump International Hotel. Ảnh: AFP |
Giám đốc Tài chính của Trump Organization phản bác rằng dù cho khối tài sản khổng lồ như vậy, không nên xem tỉ phú Trump cũng giống như “ông trùm” những ngành công nghiệp bị kiểm soát.
“Nếu anh lấy đi những thứ hào nhoáng bên ngoài, những xếp hạng năm sao, đây chỉ giống như việc buôn bán quy mô gia đình, về nguyên tắc rất khác so với những tập đoàn như IBM hoặc Exxon”, The New York Times dẫn lời ông Weisselberg.
Nhiều người phản đối ông Weisselberg. Giáo sư luật Richard W. Painter của Đại học Minnesota, người từng là trưởng nhóm luật sư về các vấn đề đạo đức ở Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng những mối ràng buộc làm ăn chưa rõ ràng của tỉ phú Trump sẽ khiến ông dễ tổn thương hơn trước những đòi hỏi từ giới ngân hàng, các doanh nghiệp ở trong nước Mỹ lẫn bên ngoài.
“Đế chế của Trump thành công là nhờ khả năng xây dựng lòng tin, để có những khoản vay cho các công ty”, “và chúng ta đơn giản là không biết mấy về các vụ đàm phán tài chính của ông ta, tại đây và trên khắp thế giới”, Giáo sư Painter nhận định.
Ngoài ra, tỉ phú Donald Trump từng nói nếu ông đắc cử Tổng thống Mỹ, việc làm ăn sẽ giao lại cho các con. Nhiều Tổng thống và chính trị gia đã chọn cách sử dụng quỹ tín thác, tức việc dùng số tài sản của họ như thế nào sẽ do một người được ủy thác lo, người ủy thác (các chính trị gia) sẽ không hề biết tiền của mình đi đâu, làm gì.
Hình thức này nhằm tránh các xung đột lợi ích trong việc hoạch định chính sách và việc kinh doanh. Tuy vậy, The New York Times nhận định khó có chuyện các con của tỉ phú Trump chọn cách này.
Theo Zing