Cuộc sống của quan chức Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc
Thứ bảy, 20/08/2016, 11:56
Đa số người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc đều gặp khó khăn trong việc hoà nhập xã hội. Tuy nhiên, đối với những quan chức cấp cao như phó đại sứ Thae Yong-ho, cuộc sống ở Seoul có thể là một câu chuyện khác.
Phó đại sứ Thae Yong-ho tại đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô London (Anh) trước khi đào tẩu cùng gia đình
Ông Thae Yong-ho (55 tuổi) là phó đại sứ Triều Tiên tại thủ đô London (Anh), đào tẩu sang Hàn Quốc hồi cuối tháng 7. Báo Hàn Quốc Dong-A Ilbongày 19.8 dẫn các nguồn tin nặc danh cho biết một quan chức được giao quản lý nguồn quỹ cho Phòng 39 của Đảng Lao động Triều Tiên cũng đã mất tích hồi tháng 6, làm dấy lên tin đồn người này đã đào tẩu cùng số tiền hàng tỉ USD. Văn phòng này được cho là nơi quản lý tài chính cho chính quyền của ông Kim Jong-un.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng việc đào tẩu liên tục của các quan chức là dấu hiệu của sự thiếu đoàn kết trong nội bộ đảng cầm quyền Triều Tiên, theo Japan Times ngày 19.8. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 17.8 thông báo ông Thae cùng gia đình đã đào tẩu sang Hàn Quốc vì căm phẫn với chế độ Triều Tiên và lo lắng cho gia đình.
Reuters cho biết, khoảng 27.000 người Triều Tiên đã rời bỏ đất nước để đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, đa phần số này gặp khó khăn trong việc hoà nhập.
Dù vậy, những quan chức cấp cao như ông Thae Yong-ho thì có thể được Hàn Quốc đối đãi đặc biệt nhằm khai thác thông tin về đất nước láng giềng phía bắc.
Kim Kwang-jin từng làm việc tại hãng bảo hiểm của Triều Tiên tại Singapore, đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào năm 2003. Ông Kim sau đó được nhận vào làm tại Viện chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc (INSS), trực thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS).
“Để sống ở đây, đương nhiên là mọi người đều cần một công việc, và chính phủ Hàn Quốc tạo công việc cho mọi người. Tôi nhận được cơ hội làm việc ở INSS”, ông Kim nói.
Choi Ju-hwal (67 tuổi), một sĩ quan quân đội cấp tá của Triều Tiên từng là quan chức quân đội cấp cao nhất đào tẩu sang Hàn Quốc vào thời điểm năm 1995. Ông Choi trốn sang Hồng Kông, sau đó là Hàn Quốc, trong một chuyến công du ở Trung Quốc. Ông Choi không lâu sau được nhận vào làm nghiên cứu viên tại INSS từ năm 1997-2012 rồi chuyển sang làm chủ tịch Hiệp hội những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc.
Vị cựu sĩ quan Triều Tiên nhận định rằng chính quyền Seoul sẽ không dễ gì chỉ chi tiền cho phó đại sứ Thae Yong-ho mà không nhận lại được gì. “Nhiều khả năng ông ấy sẽ được cho làm việc tại viện nghiên cứu”.
Cuộc sống ẩn dật
Theo Reuters, hầu hết những người đào tẩu đều đến Trung Quốc hoặc một nước thứ ba nào đó trước khi sang Hàn Quốc. Tại đây, họ bị giữ một mình trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi trong 6 tháng và được theo dõi nhằm đảm bảo không phải là gián điệp hoặc người đào tẩu giả mạo.
Sau đó, những người này được đưa đến những khu tái định cư và không được rời khỏi chỗ ở trong vòng 12 tuần, nhằm hoà nhập với môi trường sống ở Hàn Quốc. Nhiều người làm việc tại các nhà hàng hay những công việc với mức lương thấp, bằng khoảng 67% thu nhập trung bình của người địa phương.
Sau thời gian này, mỗi người sẽ nhận được 20 triệu won (18.000 USD) để tìm nhà và việc làm. Số tiền này còn được sử dụng để chi trả cho những bên môi giới giúp đào tẩu sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, những quan chức Triều Tiên cấp cao khi chạy sang Hàn Quốc được đối xử ưu đãi hơn như trường hợp của ông Kim, ông Choi. Cựu sĩ quan Choi kể rằng đã được 4 cảnh sát bảo vệ 24/24 giờ trong suốt 2 năm. Mức an ninh này hiện đã giảm bớt. Ông Kim cũng từng có một vệ sĩ như trên.
Ngoài ra, hầu hết những người này đều thay tên đổi họ và chọn cuộc sống ẩn dật tại Hàn Quốc nhằm mục đích an ninh và bảo vệ người thân tại Triều Tiên. Ông Choi đánh giá rằng phó đại sứ Thae sau khi đào tẩu nên chọn cuộc sống như trên để bảo vệ gia đình.
Dù vậy, cũng có những trường hợp cá biệt như ông Kim Kwang-jin, hiện là người có tầm ảnh hưởng tại Hàn Quốc sau nhiều lần xuất hiện trên truyền thông với vai trò là chuyên gia về Triều Tiên.
Reuters cho biết số người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc đã giảm từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011. Tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm 2016, con số này lại tăng 15%. So với khoảng thời gian này năm 2015, có tổng cộng 814 người Triều Tiên đào thoát.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng số lượng quan chức bỏ trốn cũng gia tăng từ năm 2013, sau khi ông Jang Song-thaek, dượng của lãnh đạo Kim Jong-un bị xử bắn.