Tàu cá nước ngoài bị đánh chìm ở vùng biển Batam trong hình tư liệu. |
Việc đánh chìm 60 tàu cá nước ngoài nhân ngày quốc khánh lần thứ 71 mới đây của Indonesia được giới phân tích đánh giá là động thái mang tính chất biểu tượng cao, thể hiện rõ ý đồ muốn khẳng định vị thế cường quốc biển của quốc gia Đông Nam Á này, theo Les Echos.
Bình luận viên Martine Valo của Le Monde nhận định sau các vụ xung đột với tàu Trung Quốc xung quanh các đảo của Indonesia ở Biển Đông, Tổng thống Joko Widodo đã đưa ra cam kết mạnh mẽ là không để mất dù là "một tấc đất" của quốc gia.
Trong bài diễn văn trước ngày quốc khánh của Indonesia, ông Widodo cũng khẳng định chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên và cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa hải quân Indonesia và tàu đánh cá và hải cảnh Trung Quốc.
Chính quyền Jakarta từ lâu khẳng định không có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh. Nhưng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, với "đường 9 đoạn", đã ảnh hưởng tới quyền lợi quốc gia của Indonesia khi lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở khu vực quần đảo Natuna.
Sau các vụ va chạm trong tháng 6, Tổng thống Widodo đích thân đến thăm Natuna bằng tàu chiến và tiến hành kế hoạch tăng cường phòng thủ trên các đảo xa như nâng cấp đường băng, trang bị tên lửa và máy bay trinh sát.
Ông Widodo cũng cho biết Indonesia tích cực tham gia vào việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp liên quan tới các tuyên bố chủ quyền biển đảo trong khu vực.
"Indonesia tiếp tục tích cực tham gia vào việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột trên Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán hòa bình sau phán quyết của Tòa Trọng tài", ông Widodo tuyên bố.
Ngư dân Indonesia ngoài khơi đảo Bali. |
Bình luận viên Michel de Grandi của Les Echos đánh giá với 6 triệu tấn tôm cá đánh bắt được trên biển năm 2014, Indonesia là nhà cung cấp hải sản lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Với chính quyền Jakarta, nạn đánh cá lậu mỗi năm gây nên thiệt hại nhiều tỷ USD, và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của gần một triệu ngư dân của nước này.
Chính vì thế Indonesia tỏ ra kiên quyết ngay cả với những tàu cá nhỏ, chiều dài chưa đầy 12m.
Cũng trong bài diễn văn nhân kỷ niệm 71 năm ngày quốc khánh, người đứng đấu chính quyền Indonesia cũng tuyên bố sẽ phát triển khu vực Entikong, Natuna, Atambua để thế giới thấy rằng Indonesia thực sự là một nước lớn.
Trong khi cơ sở hạ tầng tại những đảo chính đang rất thiếu thốn, ông Widodo vẫn muốn biến Indonesia thành một cường quốc biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng các cấu trúc cảng mới hiện đại và hiệu quả.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Indonesia đã triển khai một kế hoạch tài chính lớn khi cung cấp cho 28 công ty xây dựng cảng biển quốc gia số vốn lên đến 29,6 tỷ USD, với kỳ vọng biến hệ thống cảng của Jakarta có được vị trí hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi hàng hải của Indonesia cũng thực sự bước vào một cuộc chiến quyết liệt chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép. Khi kiên quyết ra lệnh đánh chìm các tàu nước ngoài, Tổng thống Indonesia đang tìm cách bảo vệ đội tàu cá của mình, đồng thời tái khẳng định vai trò cường quốc biển trong khu vực.
"Xét về chiều dài duyên hải, Indonesia thực sự là một cường quốc biển với 17.000 hòn đảo. Một con số khổng lồ. Để bảo vệ nguồn hải sản cho 255 triệu dân, Jakarta cần những hành động mang tính biểu tượng như thẳng tay đánh chìm các tàu nước ngoài đánh bắt trái phép", Grandi khẳng định.
Theo VNE