Xóm lồng đèn giấy kiếng hồi sinh giữa Sài Gòn

Thứ năm, 25/08/2016, 08:25
Vài năm trở lại đây, xóm đạo Phú Bình (quận 11) lại trở nên nhộn nhịp và rực rỡ màu sắc với những chiếc lồng đèn giấy kiếng khi mùa Trung thu đang đến gần.

Lồng đèn giấy kiếng Phú Bình (đường Lạc Long Quân, quận 11) được những người dân Nam Định, Hà Nam mang vào phát triển ở Sài Gòn và hình thành nên làng nghề cách đây hơn 50 năm. Khoảng giữa những năm 1990 của thế kỷ trước là thời kỳ hưng thịnh nhất của lồng đèn Phú Bình, khi đó ngoài cung cấp cho toàn miền Nam thì còn xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…

Đến cuối thế kỷ 20, xóm lồng đèn Phú Bình bắt đầu mất dần thị trường vì không cạnh tranh được với lồng đèn điện tử, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Con đường dẫn vào xóm đạo vắng tênh mỗi dịp Tết Trung thu, chỉ một số ít trong hàng trăm hộ gia đình cố gắng bám trụ với nghề cha truyền con nối.

Vài năm trở lại đây, khi có tin đồn đồ chơi Trung Quốc chứa chất gây ung thư thì người dân mới quay lại với lồng đèn truyền thống, mang đến sự hồi sinh cho xóm lồng đèn giấy kiếng duy nhất còn lại giữa Sài Gòn.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - một nghệ nhân với thâm niên hơn 30 năm trong nghề, cho biết dịp cận Tết Trung thu của khoảng ba năm trước, tình hình rất èo uột khi đơn hàng mỗi ngày không quá 100 chiếc. Tuy nhiên, năm nay ông phải huy động cả gia đình, mỗi người phụ trách một công đoạn để sản xuất kịp nhiều đơn hàng số lượng lớn.

“Ba thế hệ trong gia đình tôi đã gắn bó với nghề này. Nét đặc trưng của lồng đèn Phú Bình là giấy kiếng căng bóng và nét vẽ màu tươi thắm”, ông Tùng chia sẻ.

Dù mới 17 tuổi nhưng Nguyễn Hữu Phúc (học sinh trường THPT Phú Lâm) có kinh nghiệm khoảng 6 năm vẽ màu lồng đèn. Phúc tâm sự, năm nào em cũng làm công việc này, ngoài phụ giúp gia đình thì một phần mong muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống.

Trung bình mỗi chiếc lồng đèn Phú Bình phân phối cho đầu mối tại Chợ Lớn có giá dao động khoảng 14.000 đồng. Lồng đèn ngôi sao kích thước lớn từ 0,8 đến 1,5 mét giá hơn 120.000 đồng mỗi chiếc.

Một nghệ nhân chuyên sản xuất mẫu lồng đèn hình thù động vật, cho biết chế tác mỗi sản phẩm hoàn chỉnh thường tốn rất nhiều thời gian. Tre làm khung phải sử dụng loại nhập về từ Bình Phước, vót thành từng nan mỏng để uốn dẻo và cố định hình dạng.

Mỗi nét vẽ đều được chăm chút thêm sặc sỡ, bắt mắt trẻ con.

Những sản phẩm hoàn chỉnh được cẩn thận treo lên trần nhà để hong khô màu mực.

Chị Thu, chủ một cơ sở sản xuất lồng đèn ông sao, chia sẻ: “Thị trường ưa chuộng trở lại lồng đèn giấy kiếng cũng khiến những nghệ nhân trong xóm vừa mừng, vừa lo. Nghề truyền thống đã hồi sinh, nhưng lo vì chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ và hao tốn công sức, mà giá bán rất khó tăng thêm nếu muốn cạnh tranh với hàng công nghiệp”.

Một nghệ nhân cho biết, trừ hết chi phí thì mỗi chiếc lồng đèn có lãi không đến 7.000 đồng

Ngoài những kiểu dáng truyền thống, mỗi năm các nghệ nhân ở xóm lồng đèn Phú Bình lại sáng tạo thêm những mẫu mã mới như Doremon, mèo Kitty… để theo kịp xu hướng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích