Sáng 5/11, ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng thoát nước (Trung tâm chống ngập TP.HCM) - cho biết, áp thấp nhiệt đới vào Đông Nam Bộ lần này trùng với thời điểm hồ Dầu Tiếng xả lũ xuống Sài Gòn với lưu lượng 200m3 mỗi giây, khả năng ngập úng có thể xảy ra.
Dự báo lượng mưa vào trưa, chiều nay trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 50-100mm. Trung tâm chống ngập đã triển khai cho đơn vị thuê bao là Công ty thoát nước đô thị thành phố kiểm tra, rà soát lại tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm nếu xảy ra ngập phải bơm nước ứng cứu liền. Đồng thời, theo dõi việc xả lũ của hồ Dầu Tiếng để đóng van ngăn triều khi nước sông Sài Gòn dâng cao.
"Đơn vị thoát nước cũng tập trung toàn bộ nhân lực với hơn 500 người rải đều các quận huyện và túc trực 24/24 để khi xảy ra ngập là xử lý liền", ông Long nói và cho biết 30 phương tiện máy móc thiết bị (xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm) cũng được huy động thường xuyên tham gia chống ngập.
Chủ tịch UBND huyện đảo Cần Giờ Nguyễn Minh Dũng cho hay đã lên phương án di dời người dân trên địa bàn từ chiều 3/11, ngay khi vừa có thông tin áp thấp nhiệt đới hướng vào Đông Nam Bộ. Theo phương án chuẩn bị, huyện sẽ di dời khoảng 1.300 hộ dân ở các khu vực ven sông, ven biển, địa bàn sung yếu để bố trí ở tạm ở các trường học, đồn biên phòng... Vấn đề lương thực, thực phẩm cũng đã được tính toán để bảo đảm cho người dân khi di dời.
"Chiều qua, chúng tôi cũng bên Ủy ban tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão thành phố đã đi kiểm tra thực tế địa bàn một lần nữa. Nói chung đã sẵn sàng khi có lệnh của UBND thành phố sẽ thực hiện di dời ngay", ông Dũng nói.
Cơn bão Pakhar từng vào TP.HCM 4 năm trước gây ngã cây hàng loạt. |
Trước đó, nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến gần bờ, UBND TP.HCM có công điện khẩn yêu cầu tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng... không được xuất bến. Các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ như gấu, cá sấu... cần gia cố chuồng trại hoặc di chuyển về nơi an toàn tránh xổng chuồng gây nguy hiểm cộng đồng.
Thành phố yêu cầu các trường cân nhắc cho học sinh, sinh viên nghỉ học nếu cần thiết. Tàu thuyền bị cấm ra khơi hoạt động thủy sản, các tàu còn trên sông biển phải vào bờ tìm nơi trú an toàn.
Lực lượng quân đội, công an cùng các đơn vị chức năng phải đốc thúc thực hiện các chỉ đạo này. Sẵn sàng các phương án để cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu. Các chi tiết về vị trí, tình hình áp thấp nhiệt đới phải được thông báo đến từng chủ tàu.
Các lực lượng chuẩn bị ngay các phương án di dời người dân, đảm bảo đủ nguồn cung nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men... Đặc biệt, huyện Cần Giờ phải chủ động lập phương án di tản người dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà đơn sơ dọc sông rạch.
Hiện, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Khi vào đất liền có thể suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ nay đến sáng 6/11 ở Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến khoảng 50-150 mm, có nơi trên 200mm. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, Đăc Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to với lưu lượng 50-150mm.
Lần gần nhất Sài Gòn có bão là tháng 4/2012. Cơn bão Pakhar vào TP.HCM với gió mạnh, mưa lớn đã khiến nhiều nhà bị sập, hàng loạt cây cổ thụ bật gốc, bến phà Cát Lái phải ngưng hoạt động...
Theo VNE