Nếu như trước đây, tình trạng hành khách là người Trung Quốc ăn cắp trên máy bay chỉ diễn ra ở các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam thì 2 năm trở lại đây, tình trạng này xuất hiện cả trên các chuyến bay nội địa.
Điểm mặt đạo chích
Vụ trộm xảy ra gần đây nhất trên chuyến bay VN 278 từ TP.HCM đi Hà Nội, khởi hành lúc 10 giờ ngày 8-11. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, hành khách bắt quả tang người ngồi ở ghế 19C đang lấy đồ trong túi xách của hành khách ngồi ghế 18D. Tổ bay đã lập biên bản, bàn giao kẻ trộm cho Trung tâm Khai thác Tân Sơn Nhất và các cơ quan chức năng mặt đất xử lý. Danh tính kẻ ăn cắp được xác định là Li Jun (SN 1965, quốc tịch Trung Quốc).
Li Jun bị bắt về hành vi ăn cắp tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 8-11 |
Trước đó 2 ngày, sự việc tương tự cũng xảy ra trên chuyến bay nội địa mang số hiệu VN 166 hành trình Đà Nẵng - Hà Nội vào ngày 6-11. Trước giờ cất cánh, hành khách P.T.P thông báo có người mở túi hành lý của mình để trên giá. Tiếp viên đã lập biên bản đối với hành khách vi phạm là ông Zhang Hui (quốc tịch Trung Quốc) và bàn giao cho nhà chức trách tại sân bay Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Vietnam Airlines (VNA), đạo chích cũng xuất hiện trên chuyến bay VN 595 hành trình Hồng Kông.
TP.HCM ngày 1-11. Trên chuyến bay này, hành khách Trung Quốc Dong Jiayin (36 tuổi) bị phát hiện đang lục lọi vali của một hành khách khác. Khi kiểm tra đồ đạc, chủ nhân của chiếc vali là một hành khách nữ không phát hiện bị mất tài sản nên Dong Jiayin không bị tạm giữ, trong khi tiền của hành khách này đã bị lấy. Khi đang ở xe bus di chuyển vào nhà ga, một người nhận ra gã trộm nên nói cho người khách bên cạnh biết. Người này liền tri hô, Dong Jiayin giật mình vứt tang vật ăn trộm xuống đất là số tiền gần 2 triệu đồng.
Ngày càng tinh vi
Theo thống kê của VNA, tình trạng trộm cắp tài sản của hành khách đi máy bay được phát hiện từ cuối năm 2010 trên chuyến bay của hãng và một số hãng hàng không châu Á khác. Để khắc phục, VNA đã xây dựng chương trình phòng ngừa với các biện pháp cập nhật danh sách, hành vi của các đối tượng trộm cắp đến các đơn vị tuyến trước là nhân viên bán vé, tiếp viên... theo dõi.
Những hành khách bị liệt vào danh sách đen sẽ được nhân viên mặt đất bố trí vào những ghế ngồi thuận tiện cho tiếp viên theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó, hãng cũng cử nhân viên kiểm tra đột xuất một số chuyến bay trọng điểm.
“Việc áp dụng mạnh mẽ các biện pháp an ninh thực tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tình trạng trộm cắp trên chuyến bay của VNA đã giảm hẳn và có thời điểm không xảy ra. Tuy nhiên, gần đây, các đối tượng trộm cắp trên chuyến bay tái hoạt động với thủ đoạn và cách thức ngày càng tinh vi hơn” - lãnh đạo một hàng hàng không nói.
Nguồn tin của PV cho biết khi tiếp nhận tên trộm Li Jun, cán bộ hàng không rất ngạc nhiên khi thấy hộ chiếu của người này được cấp vào đầu tháng 2-2016 nhưng đã nhập cảnh hơn 10 quốc gia. Thế nhưng khi bị bắt quả tang ăn cắp trên máy bay ở Việt Nam, Li Jun chỉ bị trục xuất trên chuyến bay gần nhất mà không bị xử phạt vì các cơ quan chức năng đánh giá hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Khó xử lý Một cán bộ của VNA cho biết gặp phải đạo chích, hãng hàng không thậm chí không thu được tiền bán vé vì theo quy định, hãng nào chở khách không đủ điều kiện nhập cảnh đến thì phải chịu trách nhiệm đưa khách đó về sân bay xuất phát và các chi phí phát sinh trong thời gian này. VNA đã đề xuất đối với những trường hợp này được phép hủy vé (nếu có) và thông báo cho cơ quan đại diện của quốc gia đó đến giải quyết vấn đề liên quan đến công dân của mình nhưng chưa được chấp thuận. |
Theo NLĐ