Thập diện mai phục vịnh Hạ Long - Kỳ 1: Tan hoang hang động

Thứ ba, 15/11/2016, 09:31
Hàng chục năm nay, nhũ đá trong hệ thống các hang động của di sản vịnh Hạ Long đang bị đập phá, cưa trộm một cách ngang nhiên. Những tác động này khiến các hệ sinh thái đặc thù của hang động dần biến mất, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng. Di sản đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.

Tình trạng cưa trộm nhũ đá đang diễn ra tại di sản vịnh Hạ Long.

Hàng chục năm nay, nhũ đá trong hệ thống các hang động của di sản vịnh Hạ Long đang bị đập phá, cưa trộm một cách ngang nhiên. Nhũ được dùng để trang trí hòn non bộ sân vườn hoặc các bể cá thủy sinh. Ngư dân ngoài việc đánh cá, một số người còn cho việc lấy nhũ đá về bán cũng là một nghề làm ăn. Những tác động này đang khiến các hệ sinh thái đặc thù của hang động dần biến mất, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng. Di sản đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.

Cưa nhũ đá về làm hòn non bộ

Trong một lần tình cờ được nghe câu chuyện của hai người đàn ông đang hỏi tìm mua “nhũ động”. Tò mò, tôi lần hỏi mới được biết họ đang tìm mua nhũ đá của hang động trên vịnh Hạ Long để về làm hòn non bộ. Lúc đầu, nghĩ đây chỉ là câu chuyện “chém gió” vỉa hè. Nhưng khi được nghe hết câu chuyện, mới biết đây là cả một “thế giới ngầm” đang hàng ngày tàn phá di sản vịnh Hạ Long.

“Việc lấy nhũ đá từ các hang động trên vịnh đang là một vấn nạn. Tại một số khu vực do HTX chúng tôi quản lý cũng xảy ra tình trạng trên, thậm chí họ còn cạy cả khung sắt chắn cửa hang để vào bên trong lấy trộm nhũ đá. Có những hang trước đây rất đẹp, nhưng giờ chỉ còn trơ đá thô, không còn nhũ vì bị dân khai thác đập phá không thương tiếc”.

Ông Vũ Văn Hùng, Phó chủ nhiệm HTX làng chài du lịch Hạ Long

Khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long được phát hiện khá nhiều hang động và được các chuyên gia đánh giá cao về vẻ đẹp, cấu tạo đặc biệt của thạch nhũ. Trong đó có một số hang động được UBND tỉnh Quảng Ninh đưa vào khai thác du lịch và quản lý nghiêm ngặt. Những hang động còn lại đa số là nằm ở những nơi cheo leo, hiểm trở hoặc nằm ngoài tuyến khai thác và cũng có thể ít người biết đến.

Tìm đến các cơ sở làm hòn non bộ trên địa bàn thành phố Hạ Long, khi được hỏi mua nhũ đá, các chủ cơ sở đều tỏ vẻ e dè và thận trọng. Tại phường Hùng Thắng (phường có truyền thống đánh bắt cá trên vịnh lâu đời nhất TP.Hạ Long) thì hầu như ngư dân nào cũng biết việc lấy nhũ đá trong các hang động ngoài vịnh đã xảy ra từ lâu.

“Hàng chục năm nay người ta vẫn cưa nhũ về làm hòn non bộ đấy thôi, lớn thì cưa, nhỏ thì cạy hoặc đập nhẹ là mang về chơi tuốt. Ngày xưa thì lấy về để chơi trong nhà, nhưng vài năm trở lại đây có nhiều người hỏi mua với giá cao nên ngư dân thường cưa về bán. Nhỏ thì vài triệu, lớn mà đẹp và có kim tuyến thì lên đến cả trăm triệu” – Anh Nguyễn Hơn, ngư dân phường Hùng Thắng, TP Hạ Long cho biết.

Để được mục sở thị những lời nói, những câu chuyện khó tin mà tôi được nghe, nhiều lần “năn nỉ” với một anh bạn làm nghề đánh cá trên vịnh để được tận mục sở thị nhưng anh nhất quyết không chấp nhận. Vì theo quy định, thuyền đánh cá của anh không được chở khách, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng và có khi còn bị cấm đi biển cả tháng trời. Phần nữa anh cũng sợ bị liên lụy vì đụng chạm đến việc làm ăn của người khác.

Nhũ đá bị gãy cụt đầu.

Nhiều lần phải nhờ bố mẹ anh tác động, rồi vợ anh tỉ tê, anh chấp nhận đưa tôi đi nhưng với một điều kiện: Chỉ đưa ra đến các khu vực có hang động bị cưa lấy nhũ, còn tôi phải tự chèo thuyền vào bờ và tự vào hang khám phá. Trước khi đi, anh dặn phải mang theo đèn pin vì trong hang rất tối và hết sức cẩn thận vì có nhiều rắn rết.

Phá hoại không thương tiếc

Chiếc thuyền đưa chúng tôi đến khu vực hang Trinh Nữ, hang Trống, hang Tiên Ông (những hang động vừa bị chấm dứt dịch vụ ăn uống trong hang sau hơn chục năm bị trưng dụng làm phòng tiệc). Thạch nhũ ở đây hầu như đều bị ám xanh, rêu mốc phủ đầy bề mặt. Trên các các vách đá và măng đá chi chít chữ viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung do các du khách để lại “dấu ấn”. Có nhiều nhũ đá bị gãy cụt đầu nhìn tang thương.

“Khu vực các hang này từ ngày xưa dân chài thường vào trú ngụ khi có mưa bão, ít nhiều nhũ đá cũng bị đập phá lấy đi. Nhưng, từ khi tỉnh đưa vào khai thác du lịch thì tình trạng đập lấy nhũ không còn nhưng các hang này lại bị trưng dụng làm nhà hàng ăn uống” – Cụ Nguyễn Văn Thành, một ngư dân có nhiều năm đánh bắt hải sản trên vịnh cho biết.

Lần lượt các hang động ở các khu vực như Vạn Cồn, Ba Hang, Áng Lội... đều chịu chung số phận bị đập phá lấy nhũ. Theo nhiều ngư dân cho biết, trước đây các hang động này rất đẹp và ít người biết đến, chỉ những ngư dân lâu năm trên vịnh mới tường tận lối vào. Nhưng gần đây có một số đối tượng chuyên đi tìm những hang động mới để cưa lấy nhũ và xem đấy là nghề làm ăn.

Khi đến khu Cặp La, khu vực được các ngư dân cho biết là “điểm nóng” của nạn cưa trộm nhũ đá. Trên chiếc thuyền câu chỉ ngồi vừa vặn 2 người, tôi tiếp cận vách núi dựng đứng, nơi có hang động đẹp nhất nhì khu vực này. Theo lời chỉ dẫn, phải men theo vách đá lên cao chừng 50 mét, vạch những đám dây leo tìm thật kỹ mới thấy miệng hang. Miệng hang vừa đủ để 1 người chui lọt nhưng bên trong khá rộng.

Khối nhũ bị bỏ lại sau khi bị cưa, xung quanh ngổn ngang mảnh vỡ.

Lách mình qua đám dây gai, tôi như lọt vào một thế giới khác, ánh sáng của chiếc đèn pin trở nên nhỏ bé trong bóng tối của hang. Phải mất vài phút sau tôi mới quen dần và đặt những bước chân đầu tiên xuống sâu phía dưới. Lia ánh sáng đèn pin một vòng, xung quanh nhũ đá óng ánh phản chiếu lại, không khí ẩm ướt và lạnh gai người.

Tiến sâu vào hang khoảng 15 mét, đa số nhũ đá ở đây đều bị gãy ngang thân, nhìn kỹ các vết gãy còn khá mới, dưới nền hang còn sót lại một vài khối nhũ có đường kính từ 10 đến 20cm, dài khoảng 50cm, bên cạnh vẫn còn dấu vết của mùn nhũ đá do bị cưa. Vào sâu bên trong, tình trạng này còn tệ hại hơn, ngay cả các măng đá cũng bị đập phá, các mảnh vỡ vương vãi trên nền hang. Cũng có một số nhũ đá bị gãy do quá trình vận động địa chất lâu ngày nên bùn đất lấp quá nửa.

Trên các vách đá và măng đá chi chít chữ viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung do các du khách để lại “dấu ấn”

Tổng thể của hang động này khá đẹp, nhưng hầu hết nhũ đá ở đây đã bị đập, cưa đi. Ngay trên nhiều vết cưa cũ, nhũ đá đang tiếp tục hình thành những giọt nước để ngàn năm sau mới tạo thành nhũ đá mới. Quang cảnh tan hoang của hang động cứ ám ảnh tôi suốt chặng đường quay trở lại thuyền.

Không chỉ bị đập phá lấy nhũ đá, một số hang động còn bị đổ bê tông lên nền hang để lấy nơi bày bàn tiệc, cho dù dịch vụ ăn uống trong hang động đã bị chấm dứt nhưng hậu quả của nó để lại khó có thể khắc phục được...

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn