|
Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn |
Nhiều chỉ tiêu quan trắc khác không được nhắc đến
Theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền ký, Thanh Hóa cho phép Cty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) được xả nước thải vào vùng biển ven bờ thuộc xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia. Đây là nước thải phát sinh từ hoạt động thử thủy lực, súc rửa đường ống công nghệ trong nhà máy và nước từ phân xưởng khử khoáng trong giai đoạn thi công xây dựng tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn được phép xả thải 24h/ngày đêm với tổng lưu lượng 241.428 m3, lưu lượng xả thải trung bình là
2.250 m3/ngày đêm, lưu lượng xả thải lớn nhất là 2.950 m3/ngày đêm. Theo giấy phép này, quá trình thử thủy lực, súc rửa đường ống sẽ không dùng hóa chất. Nước thải được xả vào mương thu gom chung của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, sau đó chảy ra cửa xả tại vùng biển ven bờ xã Hải Yến. Giấy phép xả thải có thời hạn trong 6 tháng.
Theo giấy phép, Cty Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải trước khi xả thải. Công ty này phải quan trắc liên tục lưu lượng nước thải qua đồng hồ đo lưu lượng ở đầu ra sau xử lý, quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý theo tần suất một tuần một lần, quan trắc nguồn nước tiếp nhận nước thải theo tần suất một tuần một lần.
Tuy nhiên, trong giấy phép không đề cập việc quan trắc liên tục phải được kết nối trực tiếp với Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa để giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương.
Đặc biệt, giấy phép chỉ yêu cầu giám sát liên tục một thông số duy nhất là lưu lượng nước thải trong khi các chỉ tiêu quan trắc tự động cơ bản khác như COD, SS, nhiệt độ pH, tổng Nito không được nhắc đến.
Lo ngại hàm lượng sắt cao gây ô nhiễm
Trước khi được cấp phép xả thải, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng thử áp lực và súc rửa đối với đường ống tiếp nhận dầu thô vào nhà máy, chiều dài 35 km. Theo Kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (KL số 734 ngày 30/8/2016) của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT hoạt động súc rửa trên được thực hiện bằng cách bơm nước biển có hòa thêm 31.708 lít Hydrosure (O - 3670R) và 1.588 lít chất tạo màu (CH2Na3O4). Trong đó, theo các chuyên gia hóa học, hóa chất Hydrosure là chất có tính chất diệt sinh vật.
Trong lần thử thủy lực và súc rửa đường ống ra biển vừa được cấp phép, mặc dù giấy phép xả thải ghi quá trình thử thủy lực và súc rửa đường ống không sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ với môi trường.
Một chuyên gia về xử lý nước thải cho biết, nước thải từ quá trình thử thủy lực, súc rửa đường ống không dùng hóa chất thường có hàm lượng sắt cao.
Nếu không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, hàm lượng sắt cao trong nước thải có thể làm giảm oxy trong nước, gây ô nhiễm môi trường nước biển. Vì thế, các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, không để tình trạng xả thải trực tiếp ra biển.
Trong lần thử áp lực và súc rửa đường ống tiếp nhận dầu thô tháng 6/2016, kết quả phân tích mẫu dung dịch thử thủy lực đường ống dẫn dầu thải ra biển cho thấy, thông số sắt vượt 1,5 lần quy chuẩn cho phép.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, UBND cấp tỉnh Thanh Hóa có quyền cấp phép xả thải vào nguồn nước với lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trước đó Bộ TN&MT đã nhắc nhở, yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.
Trước đó, trong kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cũng yêu cầu, cty Nghi Sơn phải lập kế hoạch chi tiết việc súc rửa đường ống, phải có kế hoạch chi tiết gửi Bộ TN&MT để báo cáo và chỉ được phép thực hiện khi được Bộ TN&MT chấp thuận. |
Theo Tiền Phong