Sáng 8-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bất ngờ thị sát về tình hình cơ sở vật chất và công tác khám chữa bệnh 4 bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội gồm các BV: E, K Trung ương, Nội tiết và Hữu Nghị. Tại Bệnh viện K Trung ương (cơ sở 3), tình trạng bệnh nhân nằm ghép nhiều hơn những gì BV đã báo cáo khiến Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bức xúc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát Bệnh viện K Trung ương (cơ sở 3) |
Tại Khoa Khám bệnh, BV K Trung ương, khi thấy đoàn kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhiều bệnh nhân đã bày tỏ sự bức xúc khi phải chờ đợi nhiều giờ liền nhưng vẫn chưa được lấy máu xét nghiệm. Bệnh nhân H.T.Đ. (41 tuổi, quê Nghệ An) cho biết có mặt tại BV lúc 4 giờ sáng 8-12, đến 7 giờ sáng, chị là người đầu tiên nhận phiếu khám.
Tuy nhiên, tại thời điểm hơn 9 giờ, chị vẫn chưa được làm bất cứ xét nghiệm, siêu âm nào theo chỉ định của bác sĩ. “Chờ ở phòng xét nghiệm gần 2 giờ nhưng vẫn chưa đến lượt lấy máu xét nghiệm, trong khi đó chạy lên phòng siêu âm, bác sĩ vẫn chưa làm việc mà không thấy thông báo bất cứ lý do gì”- chị Đ. phản ánh.
Rất nhiều bệnh nhân khác cũng bức xúc trước tình trạng quá đông bệnh nhân chờ xét nghiệm trong khi chỉ có một phòng xét nghiệm với 2 bàn lấy máu. Một số bệnh nhân cho rằng việc phải chờ quá lâu là do có nhiều người quen biết với nhân viên nên được ưu tiên “chen ngang”.
Trước phản ánh này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đích thân kiểm tra lại toàn bộ số phiếu thứ tự lấy máu xét nghiệm của bệnh nhân từ sáng đến thời điểm kiểm tra. Ông Khuê cũng yêu cầu BV K Trung ương cần mở thêm các phòng lấy bệnh phẩm xét nghiệm, tránh tình trạng hàng trăm bệnh nhân dồn về một phòng bệnh chỉ có 2 bàn lấy bệnh phẩm xét nghiệm.
Tại khu điều trị nội trú của Khoa Nội, BV K Trung ương, trong khi lãnh đạo Khoa cho rằng tại đây chỉ 1-2 bệnh nhân/giường thì qua kiểm tra, hỏi han người bệnh, Bộ trưởng vô cùng bức xúc vì cảnh 3 - 4 bệnh nhân/giường bệnh và truy trách nhiệm lãnh đạo khoa điều trị.
“Tại sao lại để tình trạng bệnh nhân ngoại trú được xét chung giường cùng bệnh nhân nội trú. BV cần tổ chức khu vực riêng đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú để giảm tải cho những phòng bệnh có bệnh nhân nội trú. Nếu một giường bệnh tới 4 người nằm, liệu bệnh nhân có chịu được không?”- Bộ trưởng gay gắt.
Bệnh nhân Đ.V.T. (59 tuổi, ở Hải Dương), nhập viện hơn 10 ngày do ung thư phổi cho biết bản thân ông là bệnh nhân nội trú được “biên chế” ở giường bệnh này nhưng vì giường có tới 4 người nên ban ngày ông vào BV điều trị và truyền thuốc, còn tối thì ra ngoài thuê chỗ ngủ với giá 160.000 đồng/đêm.
Trong khi đó, nhiều bệnh nhân cũng phản ánh tình trạng họ phải “lót tay” bác sĩ để được khám nhanh hơn trong lúc đau. “Bác sĩ không vòi vĩnh nhưng nếu không “gặp riêng” thì rất khó nhờ vì họ sẽ bảo chờ đến chiều hoặc ngày hôm sau nhưng nếu có bác sĩ sẽ khám nhanh và nhẹ nhàng. Dĩ nhiên cũng có những bác sĩ rất tốt, BV có thay đổi thái độ nhưng…”- một bệnh nhân chia sẻ với lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ.
Ngoài ra, những vấn đề gây bức xúc cũng được bệnh nhân “tố” với thành viên đoàn kiểm tra như chuyện chi tiền cho bảo vệ để được vào thăm người thân đang điều trị nội trú trong giờ cấm, hay chuyện “gặp” bác sĩ để được mổ sớm và một số khoản chi "khó nói". Một số bệnh nhân khác phản ảnh chuyện đi vệ sinh trong BV cũng phải trả tiền là 2.000 đồng/lần.
Một thành viên đoàn kiểm tra cho biết trong 5 BV vừa được chấm điểm BV thì BV K Trung ương có điểm số thấp nhất.
Sau đây là một số hình ảnh tại BV K và một số BV khác mà Báo Người Lao Động ghi nhận ngày 8-12:
Một giường bệnh tại Khoa Nội, BV K được xếp 3-4 bệnh nhân |
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra số thứ tự xét nghiệm tại BV K sau khi có thông tin người quen nhân viên BV "chen ngang" |
Bộ trưởng Bộ Y tế ghi lại hình ảnh sạch đẹp tại khu vực nhà vệ sinh tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương |
Nhiều bệnh nhân dành lời khen ngợi cho sự thay đổi về chất lượng dịch vụ tại BV Nội tiết |
Theo NLĐ