So với giống đào phổ thông, đào Thất thốn luôn bán ít hơn nhiều lần trong khi công chăm sóc không hề thua kém. Bù lại, mỗi cây đào Thất thốn có giá hàng chục triệu đồng là nguồn động viên và là động lực giúp người trồng tiếp tục theo đuổi nó.
Vườn đào Thất thốn của ông Lê Hàm ở Nhật Tân là một khu lán chia làm nhiều ô, được quây tôn rộng vài trăm mét vuông. Việc này để chăm sóc cho cây được tốt hơn và tránh mưa nắng.
Ông Hàm không phải người Nhật Tân nhưng ông sống ở đây đã lâu và thâm niên trồng đào Thất thốn cũng được 26 năm. Đào Thất thốn không phải là giống ngắn hạn có thể "ăn" ngay được, nhiều gốc đào trồng hơn mười năm mới mang bán. Kỹ thuật trồng so với cây đào Nhật Tân cũng có khác biệt và trải qua rất nhiều giai đoạn với khả năng "năm ăn năm thua".
Ông Hàm cho biết, vì là giống đào khác lạ với thổ nhưỡng nơi đây nên vừa trồng vừa phải nghe ngóng, nương theo cây mà điều chỉnh cách chăm sóc. Khi mới trồng ông phải tự mày mò, dựa vào kinh nghiệm bản thân chứ không được ai truyền lại, ông mong rằng sau này sẽ nghiên cứu để áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn vào việc trồng đào.
Việc đem cây đào Thất thốn về trồng đối với ông Hàm là sự run rủi, song đã theo cây đào này đã 26 năm và hiện tại đang rất chí thú với công việc của mình.
Đào Thất thốn phải trồng bằng hạt mới chuẩn, thời gian vì thế rất lâu mới cho thành quả. Đào gieo một năm mới lớn bằng đầu đũa, tiếp tục chăm trồng ngót chục năm sau mới có thể đem bán.
Khu lán trồng đào được xây dựng khá tốn kém với các vật liệu như tôn cách nhiệt, máy sưởi, mái che cơ động, điều hòa công suất lớn để... điều tiết nhiệt độ phù hợp với cây.
Toàn bộ khu nhà trồng đào được dán phủ một lớp vật liệu phản quang. Ông Hàm cho biết nó có tác dụng tăng ánh sáng và giữ nhiệt. Những khi thời tiết chuyển gió nồm hoặc gió mùa Đông Bắc tràn về, đó là lúc rất vất vả để điều chỉnh nhiệt độ nhà trồng đào sao cho càng ít thay đổi càng tốt, tránh việc đào nở sớm cũng như thui chột bông hoa.
Ở Nhật Tân hiện tại chỉ có khoảng gần chục hộ trồng đào Thất thốn kinh doanh, nhưng để thành công với giống đào này thì không nhiều, tỷ lệ rủi ro là 50 - 50. Cây đào nào cũng phải sửa để tạo thế, việc này chính là đem lại khác biệt cho vườn đào của mỗi chủ nhân.
Người trồng không nhiều, khách chơi cũng hiếm. Có hộ mỗi năm chỉ bán được vài cây, nhưng bù lại là giá cao. Vài năm lại phải thay đổi dáng cây một lần, mỗi lần thay đổi như vậy cũng mất đến 3 năm ươm trồng.
Một cây đào Thất thốn lâu năm với gốc cực lớn, giá lên đến vài chục triệu đồng. Tỷ lệ tăng trưởng số lượng đào khá chậm vì số lượng đào chết cao, có thể đến vài chục phần trăm. Hiện tại nhà ông Hàm có khoảng 70 cây đào.
Ông Hàm nói, không thúc không ép cây mà chỉ dùng các biện pháp kỷ thuật để tạo ra môi trường ổn định, giảm sự thay đổi ở mức thấp nhất có thể, việc này đem lại sự sinh trưởng tự nhiên cho cây đào Thất thốn.
Những cây đào được mang bán đều có tuổi từ 10 năm trở lên, dáng đẹp, tay dưới tay trên tương đồng, tổng thể cây đào toát lên vẽ đẹp thuận mắt.
Các giống đào Thất thốn thường được chủ nhân trao đổi cho nhau từ mọi vùng miền của đất nước. Ông Hàm cũng chính là người cung cấp khá nhiều giống cho các đồng nghiệp của mình.
Theo Dân Trí