|
Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết chưa có dữ liệu phản ánh một người đang sở hữu bao nhiêu nhà đất. |
Triệu người kê khai
Cũng như nhiều người khác, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khoá XIV, vừa bỏ ra gần một giờ đồng hồ để hoàn thành bản kê khai tài sản năm 2016, và nộp cho Ban Công tác đại biểu, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều khiến vị đại biểu Quốc hội này suy ngẫm, là việc kê khai tài sản đó mất nhiều thời gian, nhưng hiệu quả đạt được còn thấp, nặng tính hình thức.
“Kê khai đấy, nộp đấy nhưng có khi cũng chẳng ai giám sát xem kê khai của mình có đúng không, có trung thực không. Vì thế, mình cảm thấy có cái gì đó không công bằng. Nếu tất cả các bản kê khai được làm sáng tỏ đúng, sai và ai không trung thực đều bị xử lý thì mới có thể phát huy được hiệu quả”, ông Nhưỡng nói.
Ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đã hoàn thành việc kê khai tài sản của bản thân và gửi về cho cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, ông Minh cũng thừa nhận, quy định này còn mang tính hình thức.
“Công chức, lãnh đạo quản lý đâu có sống một mình, mà đa phần sống với vợ, con, bố mẹ. Nếu họ dịch chuyển tài sản để cho con cái, bạn bè, người thân đứng tên thì với quy định của pháp luật hiện nay cũng khó phát hiện và xử lý được. Do đó vấn đề quan trọng là ngoài việc kê khai thì chúng ta phải có biện pháp quản lý được tài sản, thu nhập của toàn xã hội”, ông Minh nói.
Đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 cũng khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp. Chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.
Cũng theo Ủy ban Tư pháp, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
... chỉ phát hiện 5 người không trung thực!
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên một triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Còn theo báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Theo ông Đinh Văn Minh, tất cả những bất cập trên cho thấy cần phải sớm sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức phải nằm trong tổng thể của nền quản trị xã hội, nền kinh tế thông qua giao dịch ngân hàng, vấn đề sử dụng tiền mặt, chính sách thuế...
“Như ở các nước, không phải chỉ mình cán bộ công chức mà người dân cũng chịu sự kiểm soát và nhà nước kiểm soát được thì đó mới là điều quan trọng. Chứ như hiện nay, tài sản, thu nhập như cái bình thông nhau, chúng ta bịt chỗ này nó chảy chỗ kia, không thể phát huy được hiệu quả”, ông Minh nói.
Một bất cập khác hiện nay là việc công khai bản kê khai tài sản được thực hiện theo hai hình thức là: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hàng năm. Chính phạm vi hẹp trên nên không phát huy được hiệu quả trong việc giám sát của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội. Vì thế, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, khi sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng tới đây, cần phải có cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia, giám sát việc kê khai tài sản.
|
Theo Tiền Phong