Ôtô đậu trái phép ở Sài Gòn, chuyên gia nói 'cần thiết bị khoá bánh'

Thứ tư, 04/01/2017, 08:39
Hình thức cẩu, khóa bánh ôtô đậu trái phép - TP.HCM vừa giao công an thành phố nghiên cứu - nhận được sự đồng tình từ phía chuyên gia và đơn vị quản lý giao thông.

Khu vực trung tâm TP.HCM trước đây có nhiều nơi được phép đỗ ôtô dưới lòng đường (có thu phí), song hiện chỉ còn 25 tuyến. Ở 77 tuyến đường cấm đỗ xe, 20 tuyến cấm đỗ theo giờ, 20 tuyến cấm đỗ xe theo ngày chẵn lẻ... đều có biển báo nhưng tình trạng ôtô ngang nhiên dừng, đỗ trái phép vẫn xảy ra tràn lan, gây cản trở giao thông.

Về vấn đề này, Phòng CSGT TP.HCM cho biết đã phối hợp với quận 1, 3 liên tục ra quân xử lý. Các tổ công tác lập biên bản tại chỗ buộc chủ ôtô phải dời đi, hoặc triển khai các tổ ghi hình bằng camera, thường xuyên tuần tra tại các khu vực trung tâm. Hình ảnh những xe dừng đỗ sai sẽ được đưa về trung tâm, ra các quyết định phạt nguội và gửi về địa phương.

Trong quá trình xử lý thực tế, lực lượng CSGT cũng gặp không ít trường hợp chống đối, không hợp tác, cố thủ trong xe hay lánh mặt khiến cảnh sát mất nhiều thời gian xử lý.

"Địa bàn các quận trung tâm dù đã gắn nhiều biển cấm đỗ, cấm dừng trên các tuyến đường nhưng nhiều tài xế vẫn cố tình vi phạm. Nhiều trường hợp cảnh sát phải điều xe cẩu đưa về trụ sở, khiến việc xử lý mất nhiều thời gian, công sức", lãnh đạo một đội CSGT cho hay.

CSGT ghi hình ôtô đậu trái phép, làm căn cứ phạt nguội.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng khai thác quản lý hạ tầng đường bộ (Sở GTVT), ủng hộ việc UBND TP.HCM giao công an thành phố nghiên cứu hình thức cẩu, khóa bánh ôtô đậu trái phép - đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Theo đó, xe vi phạm sẽ bị khóa bánh bằng khóa đặc biệt, có số điện thoại, địa chỉ của đơn vị chức năng để chủ xe liên hệ giải quyết. Ôtô chỉ được mở khóa sau khi tài xế ký vào biên bản vi phạm.

"Nếu biện pháp khóa bánh xe được áp dụng thì đây là điều mới mẻ để xử lý vi phạm. Thực tế, Sở GTVT từng nghiên cứu giải pháp này và kiến nghị thành phố đề xuất sửa đổi quy định xử phạt vi phạm giao thông làm căn cứ áp dụng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được các cơ quan trung ương xem xét", ông Đường nói.

Tương tự, ông Lâm Thiếu Quân, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM - người có nhiều quan tâm về vấn đề giao thông của thành phố - cho rằng các hình thức cẩu, khóa bánh để xử lý tình trạng ôtô đậu bừa bãi gây ùn tắc ở khu trung tâm là cần thiết.

"Ở Việt Nam hiện Nghị định 46 của Chính phủ cũng cho phép quay phim, chụp hình xe vi phạm để phạt nguội nhưng chưa có quy định cụ thể về các hình thức xử phạt như cẩu, tháo bánh xe vi phạm", ông Quân nói và cho biết riêng hình thức tháo biển số thì không nên áp dụng vì nếu ôtô đó tiếp tục chạy, gây tai nạn sẽ khó kiểm soát. Thay vào đó chỉ cần chụp hình và dán thông báo phạt ngoài kính xe.

Ông Quân cũng lưu ý khi triển khai, nên có biển báo "khu vực xe có thể bị khóa bánh nếu đậu trái phép" để tài xế biết, giống như biển báo "đoạn đường thường tổ chức bắn tốc độ". Biện pháp này nên áp dụng với những tuyến đường mà việc đậu xe trái phép có thể gây kẹt xe hoặc những trường hợp đã vi phạm nhiều lần nhưng chưa nộp phạt.

Còn với hình thức "cẩu xe" nên áp dụng với những ôtô đậu trái phép gây ùn tắc giao thông, đậu ở gần họng cứu hỏa, đường đi bộ… Đây là những trường hợp có thể gây nguy hiểm cần phải kéo xe đi và toàn bộ chi phí chủ xe phải chịu.

Tình trạng ôtô dừng, đậu trái phép là một trong những nguyên nhân ùn tắc ở trung tâm TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng không nên áp dụng cứng nhắc các hình thức khóa bánh, cẩu xe. Trong tình hình khu trung tâm đang thiếu bãi xe như hiện nay, đối với những tuyến đường ít xe lưu thông, ngoài khung giờ cao điểm có thể cho đậu xe để thu phí. Nhất là khu vực ở gần các ngân hàng, cơ quan nhà nước vì nhu cầu gửi ôtô đến các cơ quan để làm việc là có.

Ông Quân gợi ý thêm một giải pháp khác có thể áp dụng để các xe vi phạm "không thể trốn đi đâu được" là xử lý qua cơ quan đăng kiểm. Tất cả các ôtô đều phải đi đăng kiểm thường kỳ nên khi xe vi phạm, cảnh sát giao thông gửi thông báo yêu cầu cơ quan đăng kiểm không thực hiện cho đến khi chủ xe hoàn tất các khoản phạt.

"Đây là cách xử lý tốt nhất đối với những xe vi phạm nhiều lần hay chây ỳ không chịu nộp phạt. Không chỉ xử lý xe đăng ký ở TP. HCM mà ở các tỉnh cũng có thể gửi văn bản đến đăng kiểm ở các tỉnh", ông Quân nêu ý kiến.

Nguyên đại biểu HĐND TP.HCM cũng đề nghị thành phố nên sớm nghiên cứu, tính toán lại giá thu phí đậu xe ở các tuyến đường theo giờ cho hợp lý. "Hiện giá đậu xe chỉ 5.000 mỗi lần, quá rẻ nên nhiều người đậu cả ngày khiến những người khác không có chỗ đậu phải chạy lòng vòng kiếm chỗ, còn không phải đậu trái phép", ông Quân nói và cho rằng đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà doanh nghiệp không muốn đầu tư bãi đậu xe ngầm.

UBND TP.HCM hôm 30/12/2016 yêu cầu Công an thành phố kiểm tra, rà soát và có biện pháp giải quyết tình trạng ôtô dừng đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm.

Ngành công an thành phố cũng được giao nghiên cứu đề xuất quy định về bổ sung một số hình thức chế tài xử lý vi phạm ôtô dừng đỗ trái phép như cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát bên cạnh việc xử phạt qua hình ảnh hoặc thông qua công tác đăng kiểm đang làm. Các giải pháp này phải được trình UBND thành phố ngay trong trong quý 1/2017.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích