Vụ 'cà phê Xin Chào' là bài học xương máu

Thứ bảy, 07/01/2017, 08:51
Viện trưởng VKSND Tối cao đã điểm lại một số vụ án gây xôn xao dư luận, lấy làm bài học xương máu cho ngành, trong đó có vụ “cà phê Xin Chào”.

Ngày 6/1, VKSND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình công tác năm 2016 và triển khai công tác năm 2017. Tham dự có ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao và ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.

Côn đồ "nhảy" ra từ mạng xã hội

Theo báo cáo, từ ngày 1/12/2015 đến 30/11/2016, cơ quan điều tra 2 cấp đã khởi tố mới 8.646 vụ và 7.734 bị can so với cùng kỳ, giảm 704 vụ (1.052 bị can).

Mặc dù tội phạm giảm nhưng nhóm tội phạm về ma túy có chiều hướng tăng về số vụ và số bị can. Cụ thể, khởi tố mới 1.262 vụ với 1.666 bị can tăng 24 vụ và 44 bị can. Cơ quan chức năng tiếp tục triệt phá nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều cá nhân được trao tặng bằng khen.

Nhóm tội phạm về trật tự an toàn xã hội chủ yếu bị khởi tố các tội Cố ý gây thương tích, Đánh bạc, Vi phạm về điều khiển giao thông đường bộ…Đáng chú ý nhiều vụ giết người thể hiện tính côn đồ, manh động, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng từ việc mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Án dân sự, hôn nhân gia đình thụ lý mới 30.804 vụ, 5.860 việc (tăng 2218 vụ, 799 việc). Đối với tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp thừa kế, quyền sử dụng đất, hợp đồng dân sự, tranh chấp quyền sở hữu tài sản chiếm tỉ lệ thụ lý cao, nhiều vụ án có tình tiết phức tạp.

VKSND TP.HCM đã chỉ đạo kịp thời việc phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với 8 vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và Thành ủy TP.HCM theo dõi chỉ đạo.

Đặc biệt đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thành công hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp gồm: Phạm Công Danh cùng đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng); vụ án Lê Dũng và 45 bị cáo khác chiếm đoạt 120 tỷ tiền hoàn thuế.

Lấy cái sai làm bài học

Thông qua công tác, VKSND TP.HCM đã phát hiện vi phạm tố tụng của tòa án và trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng. VKSND TP.HCM đã ban hành 118 kiến nghị dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động đối với các tòa án. Đồng thời có nhiều kiến nghị yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục, phòng ngừa vi phạm.

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá TP.HCM là một đô thị lớn bậc nhất Việt Nam với dân số đông, mật độ dân số dày nên tội phạm rất phức tạp nhưng VKSND TP đã cùng với các cơ quan khác giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường sống bình yên, môi trường kinh doanh lành mạnh là một điều rất đáng động viên.

Theo đó, VKSND Tối cao sẽ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho ngành Kiểm sát các cấp để phục vụ công việc và VKSND TP sẽ đi đầu trong công tác này.

Ông Lê Minh Trí lưu ý lãnh đạo VKSND TP phải chủ động bồi dưỡng cán bộ, cập nhật kiến thức về kinh tế, xã hội, thuế, hải quan, ngân hàng... Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, phát hiện và bồi dưỡng các cán bộ có năng lực giỏi. Viện trưởng các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa, khắc phục những yếu kém; thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất khi có khiếu nại tố cáo.

Tư lệnh ngành Kiểm sát cũng đã chỉ ra một số vụ án gây xôn xao dư luận như vụ “quán cà phê Xin Chào” xảy ra tại huyện Bình Chánh, vụ “Cướp bánh mì” xảy ra tại quận Thủ Đức, vụ “Điện thoại cùi bắp” tại quận 10,…và đánh giá đây là bài học xương máu, kinh nghiệm cho ngành Kiểm sát nói chung.

“Làm nhiều thì chắc hẳn sẽ có sai sót, tuy nhiên khi phát hiện cái sai thì không được bao che, phải xử lý nghiêm sai phạm, cái sai không được lập đi lập lại", Viện trưởng VKSND Tối cao nhấn mạnh và chia sẻ thêm: Công tác thi đua khen thưởng sẽ đột phá trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Quy chế thi đua khen thưởng sẽ được chỉnh sửa, không có chỉ tiêu của từng cấp, chỗ nào làm tốt chỗ đó sẽ được khen thưởng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn