3h sáng 23/1, trên tuyến quốc lộ 1, đoạn phía Nam đèo Cả, thuộc hai xã Vạn Thọ, Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), dòng xe nối đuôi nhau kéo dài gần 20km.
Suốt ngày 22/1, cung đường đèo Cổ Mã, đèo Cả trên quốc lộ 1, phía Bắc Khánh Hòa và Nam Phú Yên, có hàng nghìn ôtô nối đuôi nhau, "bò" từng mét.
Theo Phòng cảnh sát giao thông Công an Khánh Hòa, vào giữa buổi sáng cùng ngày, một xe khách bất ngờ hỏng giữa đèo Cả, trên địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), dẫn đến ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền.
Một tổ tuần tra của Trạm kiểm soát giao thông Ninh Hòa thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Khánh Hòa), đã huy động xe chuyên dụng cẩu kéo ôtô khách hư hỏng ra khỏi hiện trường.
Tuyến quốc lộ 1 qua xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, vẫn kẹt cứng lúc 3h ngày 23/1. Ảnh: Phước Tuần. |
Đến sáng nay, dòng ôtô chen nhau, nhích từng chút một qua chiếc cầu tạm trên quốc lộ 1 ở xã Đại Lãnh.
Anh Lê Văn Huy, tài xế xe khách Thiên Trang (Quảng Ngãi), cho biết không chỉ năm nay mà nhiều năm liền, tuyến quốc lộ 1 qua đèo Cả luôn ùn tắc mỗi dịp Tết đến.
"Do lưu lượng xe khách, xe tải tăng mạnh dịp Tết nên có sự cố nhỏ trên đèo sẽ gây ùn tắc dây chuyền liền. Có thời điểm dòng xe kéo dài hơn 20km, phải mất 3-5 giờ chúng tôi mới qua được đoạn đèo này", anh Huy nói.
Theo chị Gái, người dân xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, đoạn đường dài 20km từ xã Vạn Thọ đến đèo Cả hẹp, lại đang có nhiều công trình thi công như hầm đèo Cổ Mã và hầm đèo Cả.
Ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, có thêm một cây cầu đang xây, ôtô phải di chuyển rất chậm qua cầu tạm, nên đây cũng là một nguyên nhân của việc ùn tắc kéo dài hai ngày qua.
Giao thông qua đèo Cả ùn tắc không chỉ khiến hành khách sốt ruột, nhiều nhà xe lo lắng không kém vì sợ vỡ hợp đồng, kế hoạch quay đầu xe từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc về Sài Gòn không kịp để đón khách, chở hàng Tết.
Chị Nguyễn Thị Yến Ly (Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết khi xe đến chân đèo Cả đã điện người nhà ra đường tránh thành phố Tuy Hòa đón, nhưng 3 giờ trôi qua, xe vẫn còn trên địa phận huyện Vạn Ninh.
Xe tải, xe khách đều chung cảnh "chôn bánh" ở chân đèo Cả phía Bắc tỉnh Khánh Hòa rạng sáng 23/1. Ảnh: Phước Tuần. |
"Người nhà đứng đợi trong đêm lạnh liên tục gọi điện, xe thì bị kẹt cứng ở đây, không biết đến lúc nào mới qua được đèo Cả. Tôi đã báo người nhà cứ về trước, tới Tuy Hòa tôi gọi taxi về, chứ cứ đợi thì biết đến khi nào", chị Ly nói.
Tài xế một hãng xe khách tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi cho biết dự kiến khoảng 3h sáng xe đến Quảng Ngãi, sau khi trả khách phải quay đầu vào Sài Gòn, nhưng xe bị kẹt cứng thế này chắc chắn không về kịp cho chuyến tiếp theo.
"Tôi mới điện vào hãng trong bến xe miền Đông, báo hành khách ngày mai đợi và thông cảm. Cả năm được dịp Tết nhưng cứ tới đèo Cả lại kẹt, anh em nhà xe chúng tôi rất ức chế. Nhiều lúc hành khách không hiểu, lại nói nhà xe không giữ uy tín, đòi bồi thường vì trễ kế hoạch của họ", tài xế này chia sẻ.
Không những cánh tài xế xe khách đau đầu, nhiều xe tải chở hàng cũng lâm vào tình trạng tương tự, vì chậm giao hàng cho các tỉnh miền Trung, miền Bắc dịp cận Tết.
Do kẹt xe ở phía Nam đèo Cả nên hành khách nhiều tuyến xe phải đến 1h sáng mới ăn tối tại huyện Đông Hòa, Phú Yên sáng 23/1. Ảnh: Phước Tuần. |
"Tôi nhận chở chuối từ Long Khánh (Đồng Nai) ra Huế giao hàng cho các chợ bán Tết. Kế hoạch ngày mai phải giao hàng để thương lái bán cho người dân, giờ kẹt xe thế này, giao hàng chậm là bù lỗ cái chắc", anh Lộc, tài xế xe tải ở Đồng Nai than thở.
Kẹt xe ở chân đèo Cả đã ảnh hưởng dây chuyền đến kế hoạch vận tải của Bến xe miền Đông dịp Tết Đinh Dậu 2017. Chiều 22/1, tại Bến xe miền Đông, hàng nghìn hành khách phải vật vạ đợi xe vì nhiều chuyến không kịp quay đầu về TP.HCM đón khách.
Theo đại diện Bến xe miền Đông, nếu xe các hãng không kịp quay đầu, bến xe đã có kế hoạch huy động xe buýt của các hợp tác xã để chuyển hành khách về quê. Trong ngày 22/1, có hơn 35.000 hành khách đến Bến xe miền Đông để về quê đón Tết.
Năm 2017 thông xe hầm đèo Cả
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến năm 2017 sẽ đưa vào khai thác hầm đường bộ đèo Cả. Đây là hầm đường bộ dài thứ hai cả nước, đứng sau hầm Hải Vân, với vốn đầu tư hơn 16.600 tỷ đồng.
Đây là dự án phức hợp, có tổng chiều dài hơn 13km, trong đó hai hầm dài 4.625m, 6 cầu trên tuyến dài 1.200m, 6.673m đường dẫn. Các công trình tiện ích cũng được đầu tư đồng bộ như trung tâm điều khiển giao thông, trung tâm cứu hộ và trạm dừng nghỉ.
Hầm đường bộ đèo Cả đưa vào sử dụng sẽ giải bài toàn ùn tắc, kẹt xe tại đoạn đèo này suốt nhiều năm qua.
Theo Zing