Nông dân miền Tây bị nhiều thiệt hại do mưa trái mùa

Thứ tư, 08/02/2017, 09:20
Lúa đang chín bị ngã rạp, tôm giảm đề kháng, sản xuất muối giảm năng suất... do những cơn mưa trái mùa gây ra ở miền Tây khiến nông dân khốn đốn.

Nhiều diện tích lúa của nông dân Hậu Giang bị ngập úng, ngã rạp do liên tiếp hứng chịu nhiều cơn mưa bất thường đầu năm

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Cưng (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) tất bật khai rãnh, bơm nước và chống đỡ gần một ha lúa của gia đình bị ngã rạp, ngập úng... do liên tục hứng chịu những trận mưa to bất thường. "Bây giờ thu hoạch cũng khó vì lúa chưa đủ tuổi, cộng với việc thuê máy cắt lúa ngã giá gấp hai, ba lần so với bình thường", ông Cưng nói.

Theo thống kê, các trận mưa từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã làm hơn 2.400 ha lúa Đông Xuân đang giai đoạn chín ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) bị ngã, giảm năng suất. Mưa còn gây khó cho việc thu hoạch lúa sớm; chi phí tăng cao, thất thoát lớn, chất lượng thấp và giá bán sụt giảm. Tại Hậu Giang có khoảng 4.000 ha lúa do bị đổ, ngập úng.

Mưa trên diện rộng ngay giữa mùa khô cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất của nhiều người dân vùng bán đảo Cà Mau. "Mưa lớn làm trôi nhiều phèn từ trên bờ xuống vuông tôm. Nếu không kịp thời xử lý cân bằng lại nguồn nước bằng vôi bột thì tôm không lớn nổi", ông Trần Quang Hiên (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) lo lắng khi đang xử lý vuông tôm gần hai ha, được 4 tháng tuổi.

Nhiều nông dân phản ánh, mưa nhiều cũng làm nhiệt độ nước giảm nên phải tốn thêm chi phí bổ sung dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho tôm.

Tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu nhiều diện tích muối bị giảm năng suất, chất lượng. "Thông thường, đây là thời điểm nắng đẹp, rất thuận lợi cho việc làm muối nhưng nay phải hứng nhiều trận mưa liên tục thì chắc chắn sẽ thất thu", nông dân Trần Văn Thưa nói.

Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), chuỗi số liệu khí tượng thủy văn cho thấy trong quá khứ cũng có một số ngày mưa thất thường, nhưng không lớn và trên diện rộng như vừa qua. Đây là hiện tượng La Nina, biểu hiện của biến đổi khí hậu. Vài ngày tới, tình trạng mưa trái mùa vẫn xảy ra, tuy nhiên không nặng nề như vừa qua.

Nhiều diện tích lúa gần chín nhưng bị mưa làm ngã rạp khiến người dân phải thuê máy thu hoạch vội.

"Năm trước, Việt Nam, đặc biệt là miền Tây hứng chịu trận El Nino hoành hành. Theo chu kỳ, hết El Nino thì sẽ tới La Nina. Hiện tượng La Nina năm nay yếu nhưng cũng đủ tạo ra những bất thường về thời tiết như vừa qua", tiến sĩ Tuấn nói và cho biết cụ thể là tạo ra những nhiễu động không khí khu vực xích đạo vùng Thái Bình Dương, đẩy khối không khí mang hơi nước lên phía Bắc, gặp một số hoàn lưu không khí lạnh nên gây mưa.

Còn tiến sĩ Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ) cho rằng, những cơn mưa lớn trái mùa đầu năm đã làm thời tiết không theo quy luật "hai mùa mưa nắng" như trước.

Theo tiến sĩ Ni, ngoài việc ảnh hưởng đến sản xuất, tình trạng thời tiết này còn kéo theo nhiều vấn đề bất thường khác. Chẳng hạn, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ngay trong mùa nắng, điều này trước giờ chưa có...

"Cách ứng phó tốt nhất là phải thay đổi nhận thức của người dân và ngành chức năng theo hướng sẵn sàng ứng phó cho tình huống thất thường để giảm tối đa thiệt hại", tiến sĩ Ni nói và khuyến cáo vụ Đông Xuân, nông dân nên chọn các giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt thay vì thiên về năng suất. Đồng thời, dự trữ giống đề phòng tình huống phải sạ lại cho những diện tích bị hư hại, ngập úng...

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn