5 loài bị cấm, người Việt vẫn nuôi và mua bán

Thứ tư, 08/02/2017, 08:33
Không chỉ tôm hùm đất, nhiều loài khác cũng bị cấm nuôi ở Việt Nam nhưng một số người vẫn lén lút nuôi, mua bán, thậm chí "hô biến" chúng thành đặc sản.

Dư luận đang xôn xao với việc sinh vật ngoại lai được cho là tôm hùm đỏ, hay còn gọi là tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) được nuôi lén ở Đồng Tháp. Theo quy định, doanh nghiệp muốn nhập khẩu loại này vào Việt Nam phải xin giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tại Việt Nam, dù bị cấm nhập khẩu về nuôi,  loại tôm này vẫn đang được rao bán tràn lan với giá sỉ 180.000-250.000 đồng/kg (hàng đông lạnh, chưa sơ chế), bán lẻ 300.000-400.000 đồng/kg.

Hầu hết mối buôn chỉ bán hàng qua mạng Internet, không có địa chỉ cửa hàng cụ thể.

Điều này khiến nhiều người liên tưởng tới việc một số người vì ham lời, từng bất chấp phạm luật lén lút nuôi một số loài vật bị cấm tại Việt Nam.

Sâu gạo

Sâu gạo (Superworm) từng được nuôi rộng rãi tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, mang lại thu nhập tốt cho người dân trước khi bị cấm. Ảnh: Hạ Minh.

Sâu gạo (Superworm) từng được nuôi rộng rãi tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, mang lại thu nhập tốt cho người dân trước khi bị cấm. Chúng chủ yếu được dùng làm thức ăn cho chim, cá cảnh và một số loại cá giống. Giá bỏ sỉ thường là 120.000 đồng/kg, còn đến tay người mua lẻ phải là 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg.

Đến ngày 14/5/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh đưa ra khuyến cáo cấm nhân nuôi, phóng thích sâu gạo với lý do chúng chưa có tên trong “danh sách vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam”, có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Sau quyết định trên, đơn vị, cá nhân nào nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Superworm (Zophobas morio) mà không được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho phép bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng.

Thế nhưng không lâu sau đó, vào tháng 6/2014, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Đà Nẵng cho hay đã phát hiện nông dân vẫn nuôi loài sâu này. Tháng 4/2016, Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM phát hiện có 5 hộ trên địa bàn quận 12 và huyện Củ Chi vi phạm lỗi tương tự.

Đuông dừa

Đuông dừa bày bán bên lề đường ở TP.HCM.  Ảnh: Phạm Oanh.

Đuông dừa là loài côn trùng gây hại phổ biến trên các vườn dừa, nhất là các vườn dừa tơ, do vậy chúng bị cấm nuôi tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số hộ gia đình ở Bến Tre trong vài năm gần đây vẫn nuôi. Thậm chí loài dịch hại nguy hiểm này còn được hô biến thành các món ăn cao cấp tại nhà hàng.

Ngày 28/7/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở này vừa xử phạt 6 triệu đồng đối với ông Phạm Thế Hiền, Chủ vườn ẩm thực Mai An Tiêm (TP.Bến Tre) sau phát hiện nơi này có hành vi bán đuông dừa cho khách.

Như Zing.vn từng phản ánh vào ngày 30/7/2016, dù bị cấm, đuông dừa vẫn được mua bán công khai với giá 5.000 đồng/con, mua từ 40 con trở lên giá 4.000 đồng/con.

Đỉa, ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng là loại phá hoại mùa màng. Ảnh: Thái An.

Vào năm 2011, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản yêu cầu cấm nhập khẩu đỉa từ Campuchia về Việt Nam, đồng thời cấm việc thu gom, nuôi đỉa trên phạm vi cả nước để xuất đi nước ngoài. Ngoài ra, văn bản nêu rõ cấm nuôi, thu gom và buôn bán ốc bươu vàng.

Lý do là chúng gây nguy hại lớn đến mùa màng, các loài khác và môi trường. Hậu quả gần như không thể khắc phục.

Trước đó, khắp các tỉnh như Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… rộ lên “cơn sốt” đỉa.

Đỉa được thương lái mua với giá hời khiến nông dân ra sức bắt và lên kế hoạch gây nuôi với số lượng lớn, giá khoảng 10.000 đồng/con. Đỉa khô giá 1,3-1,5 triệu đồng/kg.

Chuột hamster

Chuột hamster được cho là họ hàng của chuột đồng, sinh sản nhanh, khó kiểm soát số lượng. Ảnh: Gia Bảo.

Lo ngại loài chuột có tốc độ sinh sản nhanh trên có thể vượt ra khỏi giới hạn con vật nuôi chơi trong nhà, Việt Nam đã "cấm cửa" loài vật này từ đầu năm 2008.

Thế nhưng bất chấp lệnh cấm, những con chuột hamster vẫn được nhập vào Việt Nam từ Singapore, Trung Quốc.

Tháng 2/2008, báo chí phản ánh việc mua bán diễn ra công khai. Nhiều chủ cửa hàng khẳng định chuột cảnh hiện được nhập tự do, không được đăng ký và kiểm dịch tại Chi cục Thú y TP.HCM.

Khi đó, cơ quan chức năng khẳng định sẽ xử lý hành chính và tiêu hủy những con chuột chưa qua kiểm dịch. Gần đây, giới trẻ rộ mốt săn lùng loài chuột này về nuôi.

Trên thị trường hiện có 2 loại chuột hamster là hamster bear đuôi ngắn, nặng khoảng 300-350gram và hamster campell có trọng lượng khoảng vài chục gram, nhiều màu sắc như xám, nâu, lốm đốm đen... Mỗi con chuột hamster có giá bán khoảng trên dưới 120.000 đồng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn