SeikoYamaguchi, 39 tuổi, ở nhà làm nội trợ và đã sống tối giản được 4 năm. Cô hiện sống cùng người chồng 40 tuổi, con trai 14 tuổi và con gái 12 tuổi ở Oita (Nhật).
Không gian sống giản dị nhưng vẫn lịch sự của gia đình Seiko. Ảnh: Yomiuri Shimbun. |
Người mẹ trẻ từng chất đầy đồ trong nhà của mình. Một ngày, khi chồng của Seiko thay đổi nơi làm, cả gia đình có chỗ ở mới nhưng không chứa được hết số đồ đạc.
Họ quyết định bỏ tất cả những thứ không cần thiết. Seiko nhận thấy mình đã bị tác động bởi quảng cáo, sử dụng tiền chỉ để thể hiện vẻ ngoài. Giờ đây, cô luôn cân nhắc ưu, nhược điểm, sự cần thiết của mọi thứ trước khi bỏ tiền ra mua. Ở trong bếp của gia đình bốn người hiện chỉ có vài chiếc đĩa, dụng cụ nhà bếp trên giá và máy pha cà phê.
Những khách hàng lựa chọn lối sống tối giản bắt đầu tạo ra sự lưu tâm của xã hội vào năm 2010. Seiko cũng đã xuất bản 4 cuốn sách về cách sống của mình.
Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, người phụ nữ này không chỉ cố giảm hết mức đồ đạc. Cô vẫn tính tới việc gia tăng giá trị thẩm mỹ cho cuộc sống hàng ngày.
"Tôi có thể mua những thứ khá đắt dù người khác thấy không thích. Điều quan trọng là chúng phù hợp với sở thích của tôi và có thể sử dụng trong một thời gian dài", Seiko chia sẻ.
Cô mua một chiếc ghế đệm kê trong phòng ngủ vì thích thiết kế kẻ sọc của nó. Cô thường để sách và kính trên ghế trước khi lên giường.
Trong nhà cô có chiếc bàn kotatsu (bàn kèm máy sưởi điện và phủ chăn phía trên). Riêng mặt bàn làm từ gỗ có giá tới 50.000 yên (9,8 triệu đồng). Seiko thấy chi phí này xứng đáng vì cô có thể dùng chiếc bàn này trọn đời nếu thường xuyên bảo dưỡng.
Phòng có thiết kế đơn giản giúp việc dọn dẹp và lau chùi dễ dàng. Người vợ cũng có nhiều thời gian cho gia đình hơn.
"Sau khi nền kinh tế gặp khó khăn vào năm 2008, người tiêu dùng bắt đầu nhận thức rõ hơn về việc tiết kiệm tiền. Trào lưu danshari (từ bỏ những thứ không cần thiết) đã bùng nổ", Giáo sư Yoshiyuki Sodekawa, Đại học Kyoto Gakuen, cho biết.
Eriko Yoshikawa là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn về lối sống tối giản. Cô từng tổ chức các khóa học về cách lưu trữ đồ dùng và giữ gìn nhà cửa gọn gàng. "Điều quan trọng là bạn phải cẩn thận ngay từ khi mua sắm. Bạn chỉ nên chọn những thứ có mục đích sử dụng rõ ràng", Eriko đưa ra lời khuyên.
Bản thân Eriko cũng từng mua những món đồ chỉ vì chúng rẻ và trông có vẻ đẹp. Nhưng hiện giờ, tất cả các thứ trong nhà là đồ mà Eriko cần sử dụng liên tục. Sở hữu nhiều đồ dùng không còn là dấu hiệu của sự giàu sang.
Theo một nhân viên của Viện Sáng kiến Dentsu (Tokyo), một số người đã cảm thấy chán với cơn bão hàng giá rẻ chỉ đem lại sự thỏa mãn nhất thời. Họ đang dịch chuyển sang việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua bất cứ thứ gì.
Theo VnExpress