|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong bức ảnh chụp tại Washington DC (Mỹ) |
Theo AFP, ông Trump cho biết khi thông báo hai sắc lệnh hôm 31.3 tại Nhà Trắng: “Từ bây giờ, những người vi phạm các quy tắc sẽ phải đối mặt hậu quả và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”. Một trong hai sắc lệnh vừa được ký yêu cầu giới chức Mỹ chỉ ra “những kẻ lừa đảo” - có thể là quốc gia hoặc doanh nghiệp - chịu trách nhiệm cho thâm hụt thương mại gần 50 tỉ USD mỗi tháng của Mỹ.
Phần lớn số liệu thâm hụt thương mại được công bố rộng rãi và được nhiều người biết, song hai sắc lệnh mới càng thể hiện mạnh mẽ quan điểm khó khăn về thương mại của ông Trump. Đây còn được xem là lời cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ được đưa ra một tuần trước khi Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump thề sẽ đưa quan hệ thương mại của Mỹ với thế giới về điểm thuận lợi hơn và đặt nước Mỹ lên đầu với chính sách “American first”.
“Hàng ngàn nhà máy đang bị đánh cắp khỏi nước ta, nhưng những người Mỹ trước đây chẳng có tiếng nói này giờ đã có tiếng nói tại Nhà Trắng. Sự thịnh vượng của Mỹ và lao động Mỹ giờ là mục tiêu của tôi”, ông Trump cho hay, nói thêm rằng nếu không có vấn đề về thương mại, ông đã chẳng ngồi trên ghế lãnh đạo Mỹ ngày hôm nay.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay sắc lệnh mới sẽ gửi nhiều nhà phân tích đi đến từng nước, kiểm tra từng sản phẩm và báo cáo lại cho Tổng thống trong vòng 90 ngày. Giới chức Mỹ sẽ tìm kiếm bằng chứng “gian lận”, các hành vi không phù hợp, những giao dịch thương mại không thực hiện lời cam kết, chuyện thực thi lỏng lẻo, sự chênh lệch giá trị tiền tệ và rắc rối phát sinh từ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Không cần phải nói nguồn gốc số một của thâm hụt thương mại Mỹ là Trung Quốc”, ông Ross nói, trước khi cho biết thêm rằng hơn một chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng có khả năng liên quan như: Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đài Loan...
Dù vậy, ông Ross cho hay chuyện thâm hụt thương mại không nhất thiết dẫn đến hành động trả đũa hoặc khắc phục hậu quả. “Thật khó để nói rằng ai đó là một kẻ bất lương nếu họ cung ứng được sản phẩm mà chúng tôi không sản xuất được”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói.
Sắc lệnh thứ hai của Tổng thống Mỹ yêu cầu chính phủ nước này khôi phục các khoản thuế thương mại áp lên những sản phẩm được chính phủ nước ngoài trợ giá, hoặc bán phá giá đến thị trường Mỹ. Ông Trump cho biết: “Sắc lệnh trên đảm bảo rằng chúng tôi thu thập đầy đủ thuế áp lên những nhà nhập khẩu quan trọng nhưng gian lận. Họ là những kẻ gian lận”.
Người đứng đầu WTO Roberto Azevedo từng cho hay chính sách thương mại của Mỹ cần được làm rõ, và thế giới cần chờ xem những tuyên bố sẽ biến thành chính sách như thế nào. “Thật khó để dự đoán, suy đoán về chính sách thương mại của Mỹ. Đó là một quốc gia rất quan trọng, một nước mà cả thế giới đều quan tâm”, ông Azevedo nói.
Cũng trong cuối tuần qua, Đức lên tiếng phản đối kế hoạch áp thuế chống bán phá giá của Mỹ lên các sản phẩm thép từ doanh nghiệp Đức. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cáo buộc động thái của Mỹ là vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu và thiếu công bằng với các nhà cung ứng ở Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ý cũng bày tỏ lo ngại, họ lo rằng các sản phẩm như xe máy Vespa có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế trừng phạt. Nhật báo Il Messaggero của Ý có bài viết tựa đề: Ông Trump tuyên chiến với xe Vespa, thể hiện tiếng nói chung của hầu hết báo giới nước này về vấn đề đang thống trị các trang nhất, đứng đầu các bản tin.
Theo Thanh Niên