Ngày 27/6, theo lời "mời" của ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chính thức vào cuộc tiến hành thanh tra, làm rõ nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái.
Khu biệt thự hoành tráng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý |
Đánh giá về động thái trên, bà Lê Thu Ba nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương bày tỏ sự hoan nghênh trước tinh thần chủ động của UBND tỉnh Yên Bái.
Bà Ba cho biết, sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ là cần thiết. Ông Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, với cương vị như vậy mà để thanh tra tỉnh thực hiện sẽ rất khó đảm bảo khách quan.
"Tôi có đọc báo biết tin thanh tra tỉnh sẽ thực hiện thanh tra vụ này, tôi thấy không tin tưởng lắm. Một cán bộ đang đương chức, lại giữ chức vụ Giám đốc Sở TN-MT, trong khi đó, chị gái lại là Bí thư tỉnh ủy Yên Bái nếu địa phương tự thanh tra dễ khiến dư luận nghi ngờ có sự "dàn xếp với nhau". Vì vậy, mời Thanh tra Chính phủ vào cuộc dù hơi chậm nhưng là hợp tình, hợp lý", bà Ba nêu quan điểm.
Về thông tin khối tài sản khổng lồ của gia đình ông Quý nhưng đang được đứng tên vợ là bà Hoàng Thị Huệ, bà Ba nói rõ quan điểm: "Tôi không quan tâm tài sản nhiều hay ít, nhưng phải trả lời được cho được: Nguồn gốc tài sản đó từ đâu mà có? Ông Quý kê khai tài sản hàng năm có kê khai thu nhập không?".
Bà Ba không chấp nhận lý do hàng năm "quên" kê khai tài sản nhưng tự nhiên lại đội lên một khối tài sản khổng lồ rồi lấy lý do là làm kinh doanh, phát triển kinh tế...
"Nói vậy là vô lý. Giải thích đó là tài sản của vợ mà không cần kê khai cũng không thỏa đáng. "Của chồng công vợ", tài sản của chung, dù là vợ làm chồng cũng phải kê khai", bà Ba nhấn mạnh.
Về phía Thanh tra Chính phủ, theo bà Ba, thực hiện thanh tra thế nào để vừa đảm bảo đúng quy trình nhưng dân vẫn tin tưởng là vấn đề rất quan trọng. Bà đề nghị cơ quan thanh tra phải công khai quá trình thanh tra, kể cả phải công khai trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng liên quan, cơ quan báo chí, công khai trước dư luận.
Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Chính phủ cũng có thể công khai bản kê khai tài sản của ông Quý trước và sau khi thanh tra để đảm bảo khách quan.
"Việc công khai theo tôi là rất tốt, vì nếu không có sai sót gì thì việc công khai sẽ giúp người dân tin tưởng hơn, uy tín của lãnh đạo Yên Bái cũng được khẳng định vững vàng hơn", bà Ba góp ý.
Tương tự, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng hoan nghênh sự chủ động của UBND tỉnh Yên Bái.
Theo ông Hùng, khẩu hiệu của ngành thanh tra rút ra được trong nhiều năm nay là: "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả".
Mặc dù sự vào cuộc vẫn còn bị động, song ông Hùng hi vọng những cán bộ tham gia thanh tra tại Yên Bái sẽ thể hiện được sự khách quan, minh bạch trong quá trình làm việc.
Liên quan tới vụ việc trên, ngày 27/6, Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), dẫn đầu đoàn thanh tra bắt đầu tiền hành thanh tra khối tài sản của Giám đốc sở TN-MT Phạm Sỹ Quý.
Ông Đạt cho biết, các vấn đề nằm trong kế hoạch thanh tra bao gồm các vấn đề về quyền sử dụng đất đai; những vấn đề về nguồn gốc tài sản của ông Quý. Bao gồm cả quy trình kê khai, cách thức kê khai có đảm bảo minh bạch, khách quan hay không?.
Theo ông Đạt, quá trình thanh tra dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng một tháng.
Theo Đất Việt