Hôm qua (25/3), hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời nghị sỹ Alexander Bashkin cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đi thăm Nga để hội đàm vào mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay.
Theo nghị sỹ Bashkin, thời điểm chính xác cho chuyến thăm chưa được ấn định.
Điện Kremlin xác nhận chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang được lên kế hoạch nhưng chưa thể cung cấp thêm chi tiết. Điện Kremlin tuyên bố khi có thỏa thuận cụ thể sẽ thông tin ngay về thời gian, địa điểm cũng như hình thức của cuộc gặp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Sky News) |
Thời gian gần đây Mỹ liên tiếp cáo buộc Nga cùng với Trung Quốc có những hoạt động giao thương trái phép với Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Bình Nhưỡng và nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Gần đây nhất, hôm 22/3, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt tàu mang tên Tantal của Nga vào danh sách 18 tàu nước ngoài bị tình nghi đã giao dịch trên biển với các tầu chở dầu của Triều Tiên.
Reuters dẫn lời 2 nhân chứng cho biết tàu Tantal của Nga đã chuyển dầu sang tầu Triều Tiên ít nhất 4 lần trong khoảng thời gian từ 10/2017 tới 05/2018.
Các giao dịch này được cho là đã vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này bao gồm việc cấm gần 90% xuất khẩu dầu tinh luyện sang Triều Tiên.
Là một thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, Nga cùng với Trung Quốc nhiều lần lên tiếng ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hoá từng bước của Triều Tiên, hoan nghênh các chính sách ngoại giao cởi mở của nhà lãnh đạo Kim jong-un. Matxcơva không dưới 1 lần yêu cầu LHQ và Mỹ gỡ bỏ cấm vận và lệnh trừng phạt với Triều Tiên theo một lộ trình để tạo động lực cho Bình Nhưỡng phát triển kinh tế và tiến tới phi hạt nhân hoá hoàn toàn. Nga cũng là bên đề xuất khôi phục đối thoại hạt nhân 6 bên về Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định cơ chế đàm phán 6 bên có thể trở nên có ích, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực Đông Bắc Á.
Ông Lavrov cho biết, đây là điều mà lộ trình Nga – Trung về giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhắm tới. “Lộ trình gợi ý 3 giai đoạn: thứ nhất, xây dựng niềm tin và kiềm chế các hành động khiêu khích như thử nghiệm hạt nhân tên lửa ở Triều Tiên, tập trận không quân và hải quân quy mô lớn liên quan đến Mỹ và Hàn Quốc, khi niềm tin được xây dựng, các cuộc gặp có thể được tổ chức và những sáng kiến có thể được đưa ra để tìm thấy sự cân bằng trong lợi ích và thực hiện các hành động đồng thời.”
Giữa bối cảnh quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington có những dấu hiệu xấu đi sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai mà không đạt được thoả thuận, các nhà quan sát cho rằng chuyến công du tới Nga của ông Kim Jong-un là một bước đi ngoại giao quan trọng, sau khi ông đã tới Trung Quốc 4 lần trong vòng hơn 1 năm qua.
Theo VTC