|
Tiếp tục siết chặt kiểm soát dù không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới |
Không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới
Sáng 6/4, Bộ Y tế thông báo không ghi nhận thêm ca dương tính Covid-19 nào. Tính đến hiện tại, tổng số ca mắc tại Việt Nam vẫn là 241 trường hợp, trong đó 150 người từ nước ngoài (chiếm 62,2%) và 91 người lây nhiễm thứ phát (có 61 người thuộc ổ dịch nội địa).
Trong vòng 24 giờ qua, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm một ca bệnh dương tính với Covid-19 là bệnh nhân 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam, là du học sinh tại Anh.
Trong số 241 bệnh nhân được ghi nhận tại Việt Nam có 150 người từ nước ngoài về, chiếm 62,2%. Có 91 người bị lây nhiễm thứ phát từ ổ dịch nội địa, trong đó 61 người đường lây nhiễm từ các ổ dịch liên quan Bệnh viện Bạch Mai (44 người), quán bar Buddha (18 người), "bệnh nhân 34" ở Bình Thuận (10 người).
Chiều 5/4, bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã làm thủ tục công bố bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 57 (BN 57) khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 91 bệnh nhân khỏi bệnh; 141 bệnh nhân còn lại được điều trị tại 21 cơ sở y tế, đa số đều có sức khoẻ ổn định.
Hà Nội đưa ra 3 kịch bản giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19
Chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND TP. Hà Nội vừa đưa ra 3 kịch bản để phục hồi kinh tế, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an sinh xã hội do dịch bệnh. Đây là nội dung được đề cập tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2020 của UBND thành phố Hà Nội diễn ra sáng nay.
|
Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác quý I/2020 của UBND thành phố |
Theo đó, kịch bản thứ nhất là dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Kịch bản thứ hai là dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra;
Kịch bản thứ ba là dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng từ 4 đến 5%).
Nhằm phục hồi phát triển kinh tế trong thời gian tới, TP.Hà Nội cho biết sẽ thực hiện cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm;…
Về phía các sở ngành, quận huyện,TP.Hà Nội yêu cầu cần cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông. Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ.
Triển khai nhanh gói hỗ trợ cho người dân
Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Thủ tướng, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng.
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với các nhóm đối tượng mà các bộ đề xuất, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp, 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ với các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm.
Theo Vietnamfinance