Thứ trưởng Bộ Y tế: "Có người bỏ lọt từ trước, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng"

Thứ sáu, 10/04/2020, 17:19
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đã có một số lượng người bỏ lọt từ trước chứ không phải bây giờ, nên có nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 cho cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chiều nay, 10.4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cơ quan báo chí về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp, giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, cho biết lịch sử loài người chưa bao giờ có đại dịch có sức tấn công mãnh liệt như Covid-19.

Chỉ trong vòng vài ba tháng đã lên đến 1,5 triệu người mắc tại tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, gần tương tự như đại dịch cúm xảy ra năm 1818 khiến 50 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, việc giao lưu đi lại lớn trên toàn cầu nên dịch lây lan càng nhanh chóng.

Theo ông Long, đây là đại dịch bệnh rất nhiều cái mới, mặc dù tất cả các nhà khoa học thể giới cùng nghiên cứu về dịch tễ, về virus. Mặc dù đại dịch lần này đã xác lập kỷ lục 14 ngày đã công bố bản đồ gene của virus, song hiện vẫn chưa đủ lý giải về những trường hợp cá biệt.

“Tuy nhiên, chúng ta tin rằng tới đây các nhà khoa học đạt được đến đích, bao gồm nghiên cứu vắc xin, bào chế thuốc. Tiến trình này đang được đẩy nhanh so với các vụ dịch trước như SARS hay MERS-CoV”, ông Long nhấn mạnh.

Việt Nam đã có kế hoạch cập nhật ứng phó toàn diện dịch cấp độ 3

Về tình hình trong nước, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, đây cũng là đại dịch chưa có trong tiền lệ, mức độ chống dịch đang cao nhất từ trước đến nay. “Vụ dịch SARS năm 2003 ta có cách ly nhưng số nhỏ, lần này ta cách ly toàn xã hội. Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp này khi phòng chống đại dịch”, ông Long nói.

Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc phòng, chống dịch Covid-19

Ông Long cho hay, nhiều bài học và chiến lược phòng chống của chúng ta được thế giới khen. Đó là chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước với tinh thần “chống dịch như chống giặc", huy động toàn bộ lực lượng và hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân tham gia.

“Chúng ta huy động ngay lực lượng quân đội tham gia. Việt Nam là một trong rất ít quốc gia đưa quân đội vào ngay cuộc chiến chống dịch”, ông Long thông tin.

Cũng theo giáo sư Long, Việt Nam đã áp dụng triệt để biện pháp cần thiết trong chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng, dập dịch, điều trị. “Đó là chiến lược bất di bất dịch và chúng ta kiên định thực hiện. Tùy hoàn cảnh có chiến thuật khác nhau nhưng đó là chiến lược cơ bản”, ông Long khẳng định, và cho biết, hiện Việt Nam đã có kế hoạch cập nhật ứng phó toàn diện dịch cấp độ 3.

Bên cạnh đó, trong điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thiết lập mạng lưới các bệnh viện tuyến đầu, do đó, có bệnh nhân rất nặng nhưng chưa có tử vong. Đồng thời, ứng dụng triệt để khoa học công nghệ trong chống dịch, nghiên cứu ra sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất trang thiết bị phòng hộ, kể cả sản xuất máy thở.
“Đặc biệt mới nhất là triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, điều trị. Đây là "cuộc cách mạng" ứng dụng công nghệ thông tin trong chống dịch, kể cả truy vết người nhập cảnh và ứng dụng này ngày càng hoàn thiện hơn, tốt hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh

Ông Long cho hay, hiện nay là “thời điểm vàng chống dịch”. Chúng ta cách ly toàn xã hội, giãn cách xã hội là biện pháp mạnh cùng với ý thức vệ sinh tay, đeo khẩu trang chính là vắc xin chống virus Corona mới.
Ông Long cũng đánh giá, chưa bao giờ lực lượng truyền thông tham gia mạnh mẽ như lần này, làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho người dân chống dịch. Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp rất mạnh mẽ. Mỗi ngày 53 triệu tin nhắn qua Zalo. Hiện có 2 tỉ tin nhắn qua các hệ thống thông tin, mạng xã hội.
Ông Long cũng khẳng định, cần công khai minh bạch thông tin về dịch vì có giấu cũng không được do xã hội phẳng. Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch luôn cập nhật kịp thời, toàn diện các thông tin ca bệnh, dịch tễ, thông báo khẩn. Riêng báo cáo ca bệnh, Tiểu ban truyền thông 1 ngày cung cấp thông tin 2 lần cho gần 300 cơ quan báo chí kịp thời.
Xét nghiệm Covid-19 tại Viện Pasteur, TP.Hồ Chí Minh
Từ 20.3, Bộ Y tế đồng ý cho các địa phương xét nghiệm bệnh Covid-19, cả nước hiện có 110 phòng xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm khẳng định, trong đó 32 phòng xét nghiệm khẳng định, lập tức triển khai chống dịch địa phương và báo về T.Ư. "Tôi khẳng định công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh", ông Long nhấn mạnh.
Về công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, ông Long nhận định, xu hướng các ca bệnh mới đang giảm nhưng chúng ta không chủ quan. Chúng ta có số lượng người bỏ lọt từ trước chứ không phải bây giờ, nên có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Do đó, người dân không lơ là mất cảnh giác, phải thực hiện đúng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội”.
Ông Long cũng đề nghị lên án các thông tin lệch lạc về công tác phòng, chống dịch và khẳng định chúng ta đang chủ động và đã có kịch bản cho tình huống khẩn cấp.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích