Vingroup, T&T, FLC đề xuất gì với Bí thư Hà Nội?

Thứ năm, 16/04/2020, 17:40
Lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đề xuất với lãnh đạo Hà Nội tiếp tục giảm thuế, giãn các khoản nghĩa vụ, đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng, dự án trọng điểm.

Chiều 16/4, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp như BRG, Geleximco, FLC, TH, Vietnam Airlines, Vingroup, Hòa Phát... tham dự cuộc đối thoại với lãnh đạo Hà Nội. Tham dự sự kiện còn có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Nhiều doanh nghiệp đưa các kiến nghị, đề xuất một loạt vấn đề tới lãnh đạo thành phố để duy trì kinh tế.

Vingroup lỗ 10.000 tỷ mảng ôtô, xe máy

Đại diện Vingroup cho biết gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh xảy ra, điển hình như ngành ôtô, xe máy khó khăn về cung ứng linh kiện. Theo tính toán, lĩnh vực này, Vingroup lỗ 10.000 tỷ đồng. Mảng thiết bị điện thoại cũng ảnh hưởng tương tự.

Với lĩnh vực du lịch, vui chơi giải trí do các hãng hàng không ngừng bay, toàn bộ hệ thống nghỉ dưỡng, du lịch, vui chơi giải trí của Vingroup dừng hoạt động. Theo tính toán, lỗ trước thuế dịch vụ du lịch khoảng 3.000 tỷ.

Vingroup, T&T, FLC de xuat gi voi Bi thu Ha Noi? hinh anh 1 12.jpg

Bí thư Vương Đình Huệ khai mạc buổi đối thoại. Ảnh: Nam Trần.

Mảng bất động sản, trung tâm thương mại cũng gặp khó khăn khi các cửa hàng phải đóng cửa chống dịch. Giải đua F1 cũng phải hoàn lại 100% tiền vé cho khách hàng đã mua. Hoạt động giáo dục, Vinschool cũng phải đóng cửa.

“Lĩnh vực nào của tập đoàn cũng chịu thiệt hại”, đại diện Vingroup nói, đồng thời đề xuất các cơ sở lưu trú, ăn uống, du lịch được miễn tiền thuê đất năm 2020; giãn thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ việc mua ôtô.

Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC, mong muốn thành phố đẩy nhanh việc cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bà đánh giá đây là một trong các vướng mắc lớn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.

Đề xuất công an hỗ trợ bảo vệ địa điểm bán lẻ

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG, cho biết doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo thống kê, thiệt hại hiện tại là khoảng 1.000 tỷ đồng, còn 3.700 tấn gạo chưa xuất khẩu được.

Về đề xuất, Bà Nga đề nghị UBND TP.Hà Nội cho các nhân viên an ninh, công an phường đến điểm bán lẻ để hỗ trợ bảo vệ khi cần thiết.

“Người mua thì quá đông như vậy lại rất nguy hiểm khi dịch bệnh, chúng tôi lại phải mở đến 23h”, bà Nga nói.

Chủ tịch BRG đề xuất nhanh chóng cho mở cửa khách sạn, sân golf với các quy định ràng buộc chống dịch. Theo đó, có thể cho phép chơi golf theo nhóm không quá 8 người, giãn cách tối thiểu 2m. Điều đó sẽ giúp các sân golf đảm bảo duy trì vận hành, tránh một lượng lớn lao động phải nghỉ việc.

Vingroup, T&T, FLC de xuat gi voi Bi thu Ha Noi? hinh anh 2 23.jpg

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đối thoại. Ảnh: Nam Trần.

Bà Nga đề xuất xem xét hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp. Thay đổi cách hạch toán phí dịch vụ vào doanh thu, mà tính vào thu nhập cá nhân của nhân viên. BRG cũng đề xuất giảm 50-100% thuế GTGT năm 2020; miễn giảm thuế đất 50%; miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm 2020.

Vị này mong muốn Hà Nội sớm giao đất để triển khai dự án công viên Hello Kitty rộng 2.000m2 ở quận Tây Hồ.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội “mỏng manh và dễ vỡ” nên đang gặp khó khó khăn ở đầu vào và đầu ra của thị trường. Ông cho biết Hà Nội có nhiều quỹ hỗ trợ, mong muốn có cơ chế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Ông Hiển kiến nghị Hà Nội sớm đề xuất Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai xây dựng mới sân vận động Hàng Đẫy và Trung tâm quần vợt quốc tế theo tiêu chuẩn ATP tại Mỹ Đình.

Đề xuất tranh thủ chỉnh trang đô thị trong lúc dịch

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, cho biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong triển khai một dự án trung tâm chăm sóc sức khỏe tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Tại đó cũng có một bệnh viện đa khoa công nghệ cao với vốn đầu tư giai đoạn một là 3.000 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này xin điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 4.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ tháng 9 tới và hoàn thành vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, dự án này đang gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Hiện TH đã giải phóng mặt bằng được 2/3 diện tích. Tuy nhiên, tại khu vực dự án, có một ngôi làng có người dương tính với Covid-19 nên không thể tiếp tục giải phóng mặt bằng.

Bà đề xuất cơ quan đền bù và giải phóng mặt bằng Hà Nội hỗ trợ việc bàn giao phần đất đã giải phóng xong để triển khai dự án. Phần còn lại sẽ tiếp tục triển khai khi hết dịch.

Tập đoàn TH cũng đề xuất Sở KHĐT sớm chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, Sở Quy hoạch và Kiến trúc sớm cấp giấy phép quy hoạch 1/500.

Bà Thái Hương cũng đề xuất trong giai đoạn cách ly xã hội hiện nay, TP nên tranh thủ sửa chữa đường xá, hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị. Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, đề xuất sẽ tặng Hà Nội một số cây xanh vùng nhiệt đới để trồng giúp thủ đô tạo cảnh quan. Đề xuất này được Bí thư Vương Đình Huệ ủng hộ và yêu cầu đẩy nhanh triển khai.

Bà Thái Hương cũng đề xuất Hà Nội hỗ trợ giao đất để phát triển vùng trồng rau sạch theo hướng orgranic.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đưa ra một số đề xuất, trong đó có việc mua thêm máy bay. Theo ông Thành, trong lúc dịch Covid-19, việc mua thêm máy bay chính là cơ hội khi hầu hết hãng trên thế giới đang hủy đơn hàng. Doanh nghiệp này mong muốn mua thêm 50 chiếc để đón đầu xu thế phục hồi sau dịch.

Ông Thành cũng cho biết cách đây khoảng 2 tháng, để đặt hàng một chiếc máy bay thì phải mất 3-4 năm mới được giao. Khi các hãng trên thế giới hủy đơn hàng thì giúp doanh nghiệp này có thể nhanh chóng có máy bay.

“Trong giai đoạn này, chúng tôi đề xuất có giải pháp cấp bách phê duyệt đề xin đầu tư thêm 50 máy bay”, ông Thành nói.

Doanh nghiệp này cũng đề xuất xây dựng nhà ga sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Nội Bài. Ông Thành mong muốn có đặc cách, xem xét phê duyệt xin khởi công sớm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích