Vận dụng tư tưởng của Lênin về kỷ luật sắt để chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư, 22/04/2020, 07:39
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, tư tưởng của Lênin về tính kỷ luật là hết sức nghiêm minh; ông yêu cầu những người cộng sản kiên quyết đấu tranh, đưa ra khỏi tổ chức tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước.

Kỷ luật nghiêm minh, không có vùng cấm

Một trong những tư tưởng lớn của Lênin được nhiều người biết đến là “kỷ luật sắt”. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào trong quá trình xây dựng sự nghiệp cách mạng, theo ông?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất. Ông là nhà lãnh đạo, là lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Ông đã có cống hiến lớn trong việc xây dựng một Đảng cách mạng kiểu mới. Trong quá trình ấy, Lênin đã tập trung xây dựng Đảng có kỷ luật mà ông gọi là kỷ luật sắt.

Lênin nói rằng, nếu Đảng không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thực sự thì sẽ không giữ được chính quyền. Sự vô kỷ luật từ bên trong sẽ kết hợp với kẻ thù từ bên ngoài tiến công vào sẽ dẫn tới chính quyền sụp đổ. Vì thế, Lênin yêu cầu những người cộng sản phải luôn kiên định, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để tẩy sạch ra khỏi tổ chức của mình tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước.

Theo tôi, đây là những bài học rất lớn mà ngày nay Đảng ta cần tiếp tục kiên trì áp dụng. Như chúng ta thấy, kể từ khi được thành lập đến nay, Đảng ta luôn đề cao tính kỷ luật, song ở mỗi thời điểm, giai đoạn, nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn chưa chặt chẽ, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng coi thường nguyên tắc kỷ luật trong Đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng, cũng như suy thoái về tư tưởng và đạo đức, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Thế nhưng từ sau Đại hội 12 đến nay, với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Kỷ luật Đảng đã ngày một nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với bất cứ ai. Chỉ chưa đầy 4 năm, Đảng ta đã xử lý, kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả những người đang là ủy viên Bộ Chính trị, bí thư thành ủy, bộ trưởng. Ngay cả những cán bộ cao cấp về hưu cũng không thể “hạ cánh an toàn”. Điều quan trọng là thông qua việc kỷ luật, niềm tin trong dân đối với Đảng đã tăng lên. Tình hình chuyển biến tích cực lên, chứ không đấu tranh, tròn trịa cả thì làm sao mà phát triển được. Vì thế, tính kỷ luật là một bài học lớn mà Đảng ta cần tiếp tục triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

Vận dụng tư tưởng của Lênin về kỷ luật sắt để chống tham nhũng, tiêu cực  - ảnh 1
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Chức quyền càng cao, càng phải học tập

Về ý thức học tập, Lênin có một câu nói rất nổi tiếng “Học, học nữa, học mãi”. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với nước ta trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?

Lênin xác định có 3 loại kẻ thù chính, một là sự dốt nát, hai là phóng túng vô kỷ luật, và ba là tệ tham nhũng, quan liêu. Theo ông, đội ngũ cán bộ phải nắm vững lý luận và nâng cao trình độ trí tuệ để vận dụng lý luận vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nhà nước, xây dựng chính quyền. Ông là người luôn luôn nêu cao năng lực, trình độ trí tuệ của cán bộ. Vì thế mới có khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi”. Theo Lênin, những người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tổng số những tri thức nhân loại đã tạo ra.

Cho nên bây giờ phải nâng cao trình độ và trí tuệ của đội ngũ cán bộ theo tư tưởng “học, học nữa, học mãi”, chứ không phải cứ có tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ là xong. Cán bộ bây giờ vẫn còn có những người lười học lắm, có chức quyền cao là cứ ung dung hưởng thụ, không chịu học tập, cống hiến, phục vụ. Những người cộng sản phải học hằng ngày, luôn luôn làm giàu trí tuệ. Bác Hồ là tấm gương sáng về học tập suốt đời mà mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần học tập và làm theo.

Năm 2020 là năm diễn ra Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vậy theo ông, cần vận dụng những tư tưởng cơ bản nào của Lênin trong việc chuẩn bị, lựa chọn nhân sự cho Đảng?

Theo tôi, cần phải lựa chọn những người thật sự có phẩm chất đạo đức, tư cách và trình độ vào cấp ủy. Theo Lênin, đạo đức là góp phần cải tạo xã hội, phát triển xã hội. Sau này, Bác Hồ kế thừa và phát triển thành đạo đức cách mạng. Lênin cho rằng, đạo đức của người cách mạng được biểu hiện ở những chuẩn mực, như trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động.

Những người cộng sản luôn có tinh thần tự giác gánh vác nhiệm vụ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, triệt để chấp hành kỷ luật, kiên quyết đấu tranh chống các hoạt động bè phái. Bên cạnh đó, những người cộng sản phải luôn kiên định, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để tẩy sạch ra khỏi tổ chức của mình tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước.

Cảm ơn ông.

Dâng hoa tưởng nhớ

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I. Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020), sáng 21/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dẫn đầu Đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dâng hoa tưởng nhớ lãnh tụ cộng sản V.I. Lênin tại Tượng đài Lênin ở quận Ba Đình, Hà Nội. Trước Tượng đài V.I. Lênin, các đồng chí lãnh đạo trong Đoàn đã bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của V.I.Lênin đối với sự nghiệp cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam; tỏ rõ lòng quyết tâm tiếp tục thực hiện lý tưởng và con đường cách mạng vô sản của Người cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vô sản.

Theo TPO

Các tin cũ hơn