Trên cao nguyên Tây Tạng |
Tenzin Dorje sống trong một ngôi làng nhỏ ở trên một con dốc gồ ghề ở núi Qilian ở miền tây tỉnh Gansu của Trung Quốc. Mỗi ngày, người chăn cừu già ở Tây Tạng phải đi xa hơn để cho lũ cừu uống nước. Giờ đây, ông phải mất mỗi ngày 6 giờ đồng hồ để đưa đàn gia súc đi kiếm nước. Ông nhớ lại, trước kia, quãng đường đi kiếm nước chỉ ngắn bằng nửa bây giờ.
Những tảng băng trên cao nguyên Tây Tạng nuôi dưỡng những con sông gần đó đang cạn dần, làm thay đổi dòng chảy của các dòng băng tan. Hệ thống băng tan này cung cấp nguồn nước cho hơn 300 triệu người dân Trung Quốc, và 1 tỉ người trên khắp châu Á.
Tuy nhiên, khu vực cao sừng sững này cũng là nơi đang ấm lên nhanh nhất trên hành tinh. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở ‘mái nhà của thế giới’ đã tăng lên 2 độ trong hai thập kỷ qua, cao gấp đôi so với trung bình toàn cầu. Các nhà khoa học Trung Quốc ước tính tổng diện tích băng này sẽ chỉ còn một nửa sau mỗi thập kỷ.
Các nhà khoa học dự đoán tới năm 2100 phần lớn số băng này sẽ tan. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội ước tính khu vực băng tuyết trên cao nguyên Tây Tạng đang bị tan khoảng 7% mỗi năm. Một số nơi ở châu Á, lượng mưa và các dòng sông đang nhiều lên do khí hậu ấm lên, nhưng ở khu vực gần nhà Tenzin lại trở nên khô hạn hơn.
Mọi người có thể cho rằng khoa học về thay đổi khí hậu sẽ là điều cuối cùng mà người dân địa phương nghĩ đến. Nhưng giả thiết đó là sai.
Cách ngôi làng của Tenzin không xa là đền Midi Tây Tạng, nằm chênh vênh trên cạnh dốc của một ngọn núi nhìn xuống thung lũng tuyết. Nơi đây có 15 thầy tu Tây Tạng sinh sống, cùng Zahxi Rangou – một thầy tu ngoài hai mươi tuổi. Thầy tu trẻ có hai căn phòng: phòng ngoài được sưởi ấm từ lò sưởi dành cho các du khách, phòng trong thì lạnh và đầy sách, máy tính. Thầy tu trẻ dành cả ngày để cầu nguyện và học tập trong căn phòng này.
Thầy tu Zahxi có thể truy cập vào Internet và đọc về khoa học thời tiết. “Băng đang bốc hơi. Băng tan vào mùa hè. Và thời tiết gần khu vực này đang ngày càng khô hơn” – thầy nói.
Những ngày này, hầu như ở nơi nào trên đất châu Á, kể cả những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, cũng đều có người tìm hiểu và nghiên cứu nghiêm túc về mực nước có sẵn. Trong khi đó tại Bắc Kinh, quan chức thành phố này đang lo ngại về lượng nước đang cạn dần trong tầng ngậm nước dưới đồng bằng bắc Trung Quốc (do nước đã dùng vào công nghiệp và nông nghiệp). Nguy cơ này có thể khiến cho cả thành phố sẽ cạn sạch nước vào một ngày nào đó.
Nông dân ở tỉnh miền núi Hubei của Trung Quốc đang được các ‘quan chức tái định cư’ gõ cửa thông báo rằng họ phải rời đi để tiến hành một dự án nước gây tranh cãi và tốn kém – đó là Dự án Vận chuyển nước từ miền nam lên miền bắc.
Tại khu vực miền tây nghèo khổ ở Myanmar, các nhóm phiến quân đang thách thức các ý định của chính quyền nhà nước nhằm xây dựng nên các con đập thủy điện trên dòng sông Irrawaddy. Còn tại Việt Nam, mực nước biển dâng cao và nước biển ăn sâu vào đất trồng gạo đang khiến cho người nông dân khốn đốn với ‘mùa ngập mặn’ kéo dài 5 tháng liền.
Những năm gần đây, các trận lụt kinh hoàng đã làm báo chí thế giới tốn không ít giấy mực. Nhưng nếu như chỉ nhìn thoáng qua thôi thì rất khó để khớp các mảng của bức tranh tổng thể lại với nhau – tại sao hoàn cảnh khốn khó của ông lão chăn cừu Tây Tạng lại có thể liên quan tới các cuộc nổi dậy ở Myanmar – và lại càng khó hơn khi muốn suy tưởng về những gì có thể hoặc nên hoàn thành.
Và đó là lý do tại sao cuốn sách của tác giả Brahma Chellaney có tựa đề “Nước: Chiến trường mới ở châu Á” lại xuất hiện trong một thời khắc quan trọng như vậy. Chellaney từng là chuyên gia cố vấn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và giờ là giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách độc lập của tại New Delhi.
Trong cuốn sách, Chellaney viết rằng ‘Thiếu nước trầm trọng sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng tại châu Á vào khoảng giữa thế kỷ”. Ông viết thêm: “Tất nhiên, nước không phải là nguồn duy nhất mà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại châu Á đã mang lại dưới sức ép phát triển. Nhưng đó là một yếu tố có vai trò then chốt nhất bởi không gì có thể thay thế được nước”.
Theo vietnamnet