>> Syria: 2 vụ nổ lớn ở thủ đô, 40 người chết
>> Mỹ: Bị sa thải vì tội trộm cắp 40 năm trước
>> Philippines khẳng định có Mỹ hỗ trợ ở biển Đông
Lực lượng cứu hộ Indonesia tại khu vực máy bay bị nạn - Ảnh: AFP |
Sau khi chiếc SSJ-100 trên biến mất khỏi màn radar, nhà chức trách Indonesia lập tức triển khai lực lượng tìm kiếm cứu hộ hùng hậu. Khoảng 600 binh sĩ được chia thành 20 đội, có mặt tại vùng núi Salak gần thành phố Bogor thuộc tỉnh Tây Java, nơi chiếc SSJ-100 mất tích ngay trong chiều 9.5. Tuy nhiên, khu vực này rất hiểm trở nên đến gần 10 giờ sáng 10.5 thì một trực thăng mới phát hiện các mảnh vỡ màu xanh và trắng mang tên SSJ-100.
Do thời tiết xấu, gần cuối ngày, lực lượng cứu hộ mới đến được điểm máy bay rơi và mọi hy vọng tìm được người sống sót đều tắt ngấm. “Chúng tôi chỉ thấy toàn thi thể, nhưng chưa nói được cả thảy là bao nhiêu người. Không thấy ai sống sót”, phát ngôn viên Cơ quan Cứu hộ quốc gia Gagah Prakoso nói. Trên thân máy bay, người ta không thấy vết cháy.
Chiếc SSJ-100 xấu số cất cánh từ sân bay Halim Perdanakusumah ở Jakarta lúc 2 giờ chiều 9.5, trong chuyến bay trình diễn nhằm quảng bá dòng máy bay thương mại cỡ nhỏ của Nga với khoảng 40 khách mời. Từ ngày 3.5, chiếc SSJ-100 này bay trình diễn tại Kazakhstan, Pakistan và dự kiến các nước kế tiếp lần lượt là Indonesia, Lào, Việt Nam. Phi hành đoàn gồm 8 người Nga được hãng tin RIA Novosti cho biết là “những phi công bay thử hàng lão luyện”.
Sau khi cất cánh chừng 30 phút, cơ trưởng xin phép hạ độ cao từ 3.000 m xuống 1.800 m, rồi biến mất trên màn hình radar. Một người dân ở Salak tên Juanda, 41 tuổi, kể với AFP rằng ông nghe được những tiếng gầm rú khi đang cho gà ăn vào chiều 9.5. “Ngước lên, tôi thấy một máy bay màu trắng chao đảo ở vị trí thấp hơn đỉnh ngọn núi. Sau đó biến mất, chỉ còn những tiếng răng rắc như pháo nổ”, ông kể.
Công ty PT Trimarga Rekatama - đại diện bán hàng của hãng Sukhoi ở Indonesia và tổ chức chuyến bay này - vẫn không thể chắc chắn số người có mặt trên chuyến bay. Trong cuộc họp báo sáng qua, số khách mời được nói là 39, gồm 2 người nước ngoài. Trong số người địa phương, có 5 nhà báo, đại diện các hãng bay và cơ quan hàng không nội địa, cùng Hoa hậu du lịch Indonesia năm 2008. Chiều qua, cộng tác viên của Thanh Niên tại Paris đã liên hệ với hãng chế tạo động cơ máy bay SNECMA và được xác nhận rằng nhân viên người Pháp gốc Việt tên Tran Nam của họ là một trong hai khách nước ngoài trên chuyến bay. SNECMA chưa cung cấp thêm thông tin về người này.
Có thể do phi công sai lầm Chuyên gia Gerry Soejatman, người từng thực hiện các đo đạc để thiết kế đường bay ở Indonesia, viết trên báo Jakarta Globe rằng: “Núi Salak không phải là một nơi thích hợp để bay trình diễn”, bởi sườn núi dựng đứng và thời tiết thay đổi chóng vánh. Hồi tháng 6.2008, một máy bay vận tải C-212 của Indonesia đâm vào ngọn núi này và chẳng ai sống sót. Ông cho biết thêm núi Salak cao gần 2.200 m, cạnh nó là ngọn Pangrango cao 3.000 m. Có thể các phi công Nga đã mắc sai lầm vì không quen địa hình. Lẽ ra, phi công không nên hạ độ cao đến mức thấp hơn đỉnh Salak. Thời tiết đẹp vào lúc cất cánh có thể đã nhanh chóng chuyển sang mây mù khiến đỉnh Salak bị che khuất, dù đỉnh Pangrango vẫn còn nhìn thấy, nên máy bay đâm vào vách núi chứ không phải bị rơi do cháy nổ, chuyên gia Soejatman đoán. |
Theo tuoitre