Ngay sau khi Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GTVT lùi thời hạn thực hiện thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP đến ngày 01/01/2013 thay vì 01/06/2012, hàng loạt ý kiến đã được đưa ra dư luận nhằm phản biện và cho rằng thu phí bảo trì đường bộ cần dựa trên tính hợp pháp, hợp lý, hiệu quả, công bằng và tính minh bạch.
“Bóp chết” doanh nghiệp, gây khó cho dân
Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, việc áp dụng thu phí không phù hợp với thực tế trong điều kiện kinh tế khó khăn sẽ góp phần bóp chết doanh nghiệp và đè nặng khó khăn cho người dân.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM cho rằng việc ban hành Nghị định 18 là không thực tế. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hiện nhà nước đang thực hiện hàng loạt giải pháp để “cứu” DN thì trong năm 2012 này chưa thể thu thêm các khoản phí giao thông trên đầu phương tiện cơ giới.
Ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, người dân đã chấp nhận đóng phí giao thông tại các trạm thu phí nhưng không phải vì thế mà làm…tới, bắt dân đóng phí vô tội vạ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay là quay đầu với sự sống còn của doanh nghiệp vận tải. |
“Theo khoản 2, Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nguồn quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm và các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 18 lại quy định phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Như vậy Nghị định 18 đã “đẻ ra" một khoản mà Luật giao thông đường bộ không quy định”, TS Trần Du Lịch phân tích về vấn đề thu phí bảo trì đường bộ.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng, trên thực tế đề xuất thu phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT đã không xây dựng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân.
Vì thế cần phải xem xét, tính toán lại để đưa ra mức phí nào, lệ phí nào áp dụng cho từng đối tượng xứng với tình trạng giao thông của nước ta. Như vậy mới đảm bảo nguyên tắc hợp lý, hợp tình, hợp pháp, công bằng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT khi áp dụng thu phí bảo trì đường bộ cần phải đánh giá đúng nguyên nhân, tác nhân làm hư hỏng hạ tầng giao thông và phân biệt rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Đồng thời phải đưa ra lý do, cơ chế quản lý sử dụng quỹ bảo trì đường bộ một cách rõ ràng minh bạch.
Phí giao thông “thập diện mai phục”
Ông Lê Thành Thao (Công ty vận tải Quang Châu) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đang phải gánh chịu quá nhiều các khoản phí nên khó khăn chồng chất.
Đơn cử như chỉ trên đoạn đường từ Bình Dương đến Bình Phước cách chưa đến 100km đã có 3 trạm thu phí. Từ cảng Cát Lái, TP.HCM đi Cần Thơ với cự ly khoảng 190km nhưng có đến 5 trạm thu phí.
Gần như các tuyến đường trọng điểm đều có trạm thu phí dày đặc. Khi áp dụng thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18 của Chính phủ chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.
Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (Viffas) nói: “Tình hình kinh tế trong năm 2012 của nước ta chưa được khả quan, dự báo có thể kéo dài sang năm sau. Hoạt động của các doanh nghiệp vốn khó khăn thì quỹ bảo trì đường bộ sẽ càng làm cho hoạt động DN khó khăn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.000 doanh nghiệp kinh doanh ngành kho vận”.
Một vấn đề đáng ngại khác cũng được dẫn ra làm minh chứng là việc từ đầu năm 2012 đến nay giá xăng dầu đã tăng 2 lần nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn không tăng giá cước vận chuyển.
“Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc đưa ra quyết định thu phí bảo trì đường bộ là điều bất hợp lý”, ông Ngô Trọng Hiệp, Công ty TNHH vận tải Tấn Hưng bức xúc.
Hàng loạt doanh nghiệp vận tải khác lo ngại, nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ nữa thì vô tình sẽ “bóp chết” các doanh nghiệp vận tải, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu lùi thời hạn áp dụng thu phí bảo trì đường bộ đến đầu năm 2013.
Theo Vietnamnet